Text Box: Số 12 CN 11. 12. 2005

Text Box: TIN VUI

 

 


 

MÙA VỌNG VỚI THÁNH GIOAN TIỀN HÔ..

THÁNH LỄ TRAO TÁC VỤ LINH MỤC TẠI GIÁO PHẬN KOMTUM...

Bài Giảng của Ðức Hồng Y Crescanzio Sepe, Tổng trưởng bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc, tại Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo Tổng Giáo Phận Saigòn.

Đức Bênêđictô XVI và Công Đồng Vatican II

CÙNG NHAU TIẾN BƯỚC..

PHẬT GIÁO..

SỨ MẠNG CỦA GIOAN TẨY GIẢ         1,2-8.

ĐỨC YÊSU CHỊU THANH TẨY  1,9 -11.

ĐỨC YÊSU CHỊU CÁM DỖ  1,12-15.

NỖI ĐAU KHÔNG CHỈ RIÊNG AI !  “Không có tình thương nào cao cả  hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng  vì bạn hữu của mình” (Gio 15,13).

GIỌT NƯỚC MẮT HỒNG..

 

 

 

Text Box:  SỐNG LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – NĂM B
11.12.2005

Làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô

1. Kitô hữu tiếp nối vai trò Gioan Tẩy giả trong thế giới hôm nay :

Khi được hỏi ông có phải là Đức Kitô, là Tiên tri Êlia hay là tiên tri nào đó, Gioan Tẩy giả khiêm tốn tự nhận mình là “tiếng kêu” dọn đường cho Chúa đến, ông không phải là Đức Kitô. Ngày nay cũng sẽ có nhiều người đến chất vấn chúng ta : Kitô hữu, anh là ai ? Chắn chắn mỗi người đều dễ dàng trả lời : “Tôi không phải là Đức Kitô”. Danh xưng Kitô hữu cho thấy có mối liên hệ mật thiết với Đức Kitô. Kitô hữu là người bạn của Đức Kitô, là người đi theo Đức Kitô, là họa ảnh của Đức Kitô cho mọi người thấy Người như thế nào. Tắt một lời, Kitô hữu cũng như Gioan là “tiếng kêu”, một âm vang của Ngôi Lời. Là tiếng kêu, là âm vang bằng chính cuộc đời tạân hiến hy sinh vì Tin mừng, để mọi người biết chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Dọn đường cho Chúa đến với xã hội và con người hôm nay. Là tiếng kêu, Kitô hữu có trách nhiệm gióng lên tiếng kêu cảnh tỉnh thế giới. Phải là tiếng kêu phản ánh lời Tin mừng để cảnh tỉnh thế gian đầy u mê, tọâi lỗi và bất công này. Là tiếng kêu, Kitô hữu phải lên tiếng kêu gọi xây dựng hòa bình và công lý, tình yêu và sự sống…


2. Niềm vui đời nhân chứng : 

Chúa nhật III mùa Vọng, phụng vụ gọi là Chúa nhật của niềm vui, vì thế âm hưởng của các bài đọc Kinh thánh hôm nay toát lên một niềm vui. Niềm vui vì Thiên Chúa tuyển chọn mỗi người là sứ giả đi công bố ơn giải thoát, năm hồng ân của Thiên Chúa (bài đọc I). Vui luôn trong Chúa vì theo lời Thánh Phaolô, Thiên Chúa muốn chúng ta vui và Người gìn giữ chúng ta toàn vẹn cho tới ngày Đức Giêsu Kitô ngự đến (Bài đọc II). Niềm vui chỉ trọn vẹn nếu chúng ta thực sự đáp trả lại sự chọn lựa của Thiên Chúa và sống trong ân nghĩa của Chúa. Nói cách khác, theo tinh thần của bài Tin mừng, Kitô hữu xác tín vào ơn gọi làm chứng cho Chúa như Gioan Tẩy giả. Gioan đã làm chứng và giới thiệu cho mọi người biết về Đức Kitô, Đấng là niềm hy vọng muôn dân đang trông chờ. Kitô hữu cũng làm chứng và giới thiệu về Đức Kitô như thế cho đời hôm nay. Làm chứng về Đức Kitô là niềm vui, niềm hy vọng đang chờ mong thì tâm hồn và cuộc sống của người Kitô hữu cũng toát lên niềm vui và hy vọng của mình nơi Đức Kitô. Là sứ giả Tin mừng, cuộc đời mình phải vui trước đã. Phải cảm nghiệm được niềm vui ơn cứu độ, niềm vui có Chúa trong cuộc đời, mới có khả năng chia sẻ cho người khác và lời chứng của mình mới có khả năng thuyết phục người khác.


3. Kitô hữu làm chứng nhân cho Chúa bằng chính đời sống :

Cũng như Gioan Tẩy giả là người làm chứng cho Đức Kitô, người tín hữu hôm nay cũng là những chứng nhân của Đức Kitô. Trong cuộc sống thực tế, nhiều khi ta lầm tưởng mình là người đạo đức, người đại diện ngang hàng của Đức Kitô, nên những gì mình nói và làm đều phải được người khác tôn trọng và chấp nhận. Mình cũng dễ lầm tưởng mình là tiên tri có trách nhiệm về vận mạng của người khác, nên đòi người ta phải công nhận mình là chân lý. Mình cũng dễ lầm tưởng mình là thánh nên chịu khó đọc kinh xem lễ, nhưng lại chẳng thiết sống lời Chúa. Dù có đạo đức thánh thiện đến đâu đi nữa ; dù có giữ trọng trách cao đến mấy đi nữa, mãi mãi Kitô hữu vẫn chỉ là người làm chứng cho Đức Kitô. Càng sống đúng lời Người, càng khiêm nhu thì chứng tá càng sống động và chân thực. Chứng của Gioan thuyết phục và lôi kéo mọi người đến cùng ông vì chính đời sống của ông. Ông làm chứng không phải với tư cách của người ngoài cuộc nhìn vào nhưng với tư cách người trong cuộc, được Thiên Chúa sai đến. Kitô hữu cũng vậy, cảm nghiệm được ơn Chúa, gặp gỡ được Chúa và làm chứng cho người khác thấy bằng chính kinh nghiệm của mình, cuộc sống của mình.


Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng

Text Box:  CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

MÙA VỌNG VỚI THÁNH GIOAN TIỀN HÔ

Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giáng sinh. Từ lâu nay, hầu như khắp nơi đều chuẩn bị Noel bằng những gì tốt đẹp gây được niềm vui. Thiệp Noel càng ngày càng đẹp. Hang đá Noel càng ngày càng sang. Quà Noel càng ngày càng quý. Lời chúc Noel càng ngày càng đa dạng.

Riêng năm nay tại Việt Nam, mùa Vọng còn được chú ý bởi một biến cố long trọng khác thường. Đó là chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Hồng Y Crescenzio Sepe. Nhưng đồng thời cũng có những nỗi lo buồn nghiêm trọng, như nguy cơ dịch cúm gia cầm, các thiên tai, cuộc sống vất vả.

Tôi đón nhận tất cả thời sự về mùa Vọng năm nay, để suy gẫm trong lòng.

Nhưng lòng tôi thích trở lại thời xa xưa của mùa Vọng đầu tiên. Đó là thời thánh Gioan Baotixita xuất hiện, để dọn đường cho Đấng Cứu thế đến.

Cách Ngài chuẩn bị không giống cách chuẩn bị thời nay. Tôi tạm gọi cách Ngài chuẩn bị là đánh động lương tâm.

Đánh động lương tâm để dọn lòng đón Chúa đã là một chọn lựa độc đáo. Nhưng những cách Ngài dùng để đánh động lương tâm càng độc đáo hơn.

Xin kể vài cách gây ấn tượng nhất.

1/ Đánh động lương tâm con người bằng đời sống khắc khổ và khiêm tốn

Các tượng ảnh thánh Gioan Tiền Hô xưa rày đều chung một kiểu: Một người khoác mảnh da thú, đầu trần, đi chân không, dáng vẻ xuất thân từ rừng núi. Thánh Gioan Tiền Hô đúng là như vậy. Phúc Âm thánh Matthêu viết: "Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn" (Mt 3,4).

Thấy một người đạo đức khắc khổ khác thường như thế, nhiều người rất thắc mắc. Thắc mắc của họ được Phúc Âm thánh Gioan tả lại như sau: "Khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi Gioan: Ông là ai? Ông tuyên bố thẳng thắn rằng: "Tôi không phải là Đấng Kitô". Họ lại hỏi: Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không? Ông trả lời: "Không phải". Vậy ông có phải là một ngôn sứ không? Ông đáp: "Không". Họ liền nói với ông: Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến đây. Ông nói gì về chính ông. Ông nói:

Tôi là tiếng hô trong hoang địa.

Hãy sửa đường cho thẳng, để Đức Chúa đi" (Ga 19,23).

Thực là những câu trả lời rất khiêm tốn.

Phúc Âm thánh Marcô còn thêm một chi tiết khiêm nhường khác. Thánh Gioan Tiền Hô nói: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người" (Mc 1,7).

Khiêm tốn và khổ hạnh là những dụng cụ thánh Gioan Tiền Hô đã dùng để đánh động lương tâm con người. Thời nay khác rồi.

Ngoài ra, Ngài còn dùng thêm một dụng cụ khác nữa, đó là những lời giảng thẳng thắn.

2/ Đánh động lương tâm con người bằng những lời cảnh báo chân thành thẳng thắn

Thánh Gioan Tiền Hô không có thói tâng bốc, nịnh bợ những người cầm quyền đời đạo và những ai sống đạo đức giả hình. Phúc Âm thánh Matthêu kể: "Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?... Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa" (Mt 3,7-10).

Thánh Gioan là người Chúa chọn. Ngài không là dụng cụ của bất cứ quyền lực nào. Nên Ngài dám nói sự thật.

Những lời cảnh báo chân thành và thẳng thắn nhiều khi rất cần để đánh động lương tâm. Dùng cách nói đó không phải để doạ nạt, nhưng để cứu chữa. Nhận cách nói đó với lòng khiêm tốn cũng là nhận sự cứu chữa.

Rất nhiều khi, người ta sống ngày này sang ngày khác với một lương tâm bình lặng kéo dài, nhưng thực tế mỗi ngày mình sống đều thay đổi. Có ngày thì trong sáng. Có ngày thì nguội lạnh. Có ngày thì tội lỗi. Sự thực về tình trạng linh hồn rất thay đổi, nhưng khi đã quen sống với những thay đổi đó, người ta không còn bén nhạy với tội phúc.

Vực thẳm tội lỗi gồm tội cá nhân, tội tập thể, tội cơ chế. Mình chìm trong đó mà không hay. Nhưng, nếu được ai đó nói thực cho biết mình đang trong nguy cơ trầm trọng, biết đâu lương tâm mình sẽ thức tỉnh, để đi tìm một giải cứu.

Thánh Gioan Tiền Hô đã là con người biết và dám dùng cách cảnh báo, để dọn lòng người đón nhận Chúa.

Sau hết, thánh Gioan Tiền Hô còn dùng một cách nữa, để đánh động lương tâm con người. Cách đó là gợi ý cho mọi người ăn năn sám hối bằng sự tự ý chịu phép rửa như dấu chỉ từ bỏ tội lỗi.

3/ Đánh động lương tâm con người bằng cách làm phép rửa

Phúc Âm thánh Marcô ghi lời thánh Gioan Baotixita nói về phép rửa của Ngài như sau: "Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước. Còn Đấng đến sau tôi sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần" (Mc 1,8).

Thánh Gioan Tiền Hô dùng nước đổ trên những người ăn năn sám hối. Phép rửa đó tự nó không tha tội, nhưng là một dấu bề ngoài làm chứng cho sự ăn năn sám hối.

Trong thời buổi nào, với nền văn hoá nào, sự ăn năn sám hối cũng vẫn cần được diễn tả bằng một  dấu chỉ bề ngoài. Dấu chỉ của sự ăn năn sám hối vừa có tính cách đạo đức cá nhân, vừa mang tính cách xã hội.

Dấu chỉ bề ngoài của sự sám hối thường dễ được nhận thấy ở sự tiết độ khó nghèo trong cách sống, ở những cố gắng phấn đấu dấn thân trong phục vụ, và ở ý chí chấp nhận những đau khổ âm thầm để hiệp thông vào mầu nhiệm thánh giá.

Khi suy nghĩ về đường lối đánh động lương tâm trên đây, tôi thấy thánh Gioan đã không dùng những cách ca ngợi vẻ đẹp này hương thơm nọ của các thứ mùa xuân vô hình, nhưng Ngài đi thẳng vào mùa thu lá rụng, mùa đông khắc nghiệt của đời sống thiêng liêng.

Thiết tưởng cách đó là cách, mà sau này Chúa Giêsu cũng đã hay dùng, để đánh động lương tâm con người trong kế hoạch cứu độ.

Tôi thấy cách này hơi khó đối với phần đông chúng ta. Lý do sâu xa nhất chính vì cách đó đòi chúng ta phải  làm gương trước trong chính đời sống chúng ta, chứ không phải chỉ là nói suông trên lý thuyết.

Xin Chúa thương giúp chúng ta sống mùa Vọng một cách có chất lượng cao như thánh Gioan Tiền Hô.

+ Gm. GB. BÙI TUẦN

Text Box: HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

THÁNH LỄ TRAO TÁC VỤ LINH MỤC TẠI GIÁO PHẬN KOMTUM

       Đúng 6 giờ sáng, ngày 24.11.2005 tại trung tâm truyền giáo Pleichuet, Giáo hạt Pleiku, Giáo phận Kom Tum. Khoảng 7000 người đến tham dự Thánh lễ trao tác vụ Linh mục do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kom Tum chủ tế phong chức cho Thầy Đaminh Phạm Mạnh Niệm và Thầy Batôlômêô Nguyễn Đình Phước. Cùng hiệp dâng Thánh lễ có sự hiện diện của hai Đức Cha tiền nhiệm là Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc và Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, Cha bề trên Giám tỉnh Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế cùng các Linh mục trong Giáo phận và ngoài Giáo phận. Trong thánh lễ cũng cũng có đầy đủ các tu sĩ nam nữ  cùng các anh chị em dân tộc Bahnar, Jarai và Kinh trong ngoài Giáo phận Kontum.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí rất trang trọng nhưng không kém phần sôi nổi, vui tươi khi mở đầu Thánh lễ là tiếng cồng, chiêng, trống cùng các bài hát Thánh ca vang lên. Các anh chị em dân tộc Bahnar, Jarai cùng nhau nhảy múa, ca hát trong niềm hân hoan ca tụng Thiên Chúa và đón mừng Đức Cha Micae, Quý Đức Cha cùng hai tiến chức và toàn thể Linh mục, tu sĩ, cộng đoàn. Thánh lễ được cử hành bằng ba thứ tiếng: Kinh, Bahnar, Jarai. Những bài Thánh ca trong Thánh lễ mang đậm nét âm hưởng dân tộc Tây Nguyên rất hay và tâm tình.

     Trong Thánh lễ nghi thức phong chức Linh mục gồm 3 phần chính: Tuyển chọn, lời nguyện phong chức và diễn nghĩa. Trong bài huấn dụ của Đức Giám mục Micae. Ngài huấn dụ cộng đoàn và hai tiến chức rằng: “Hôm nay chúng ta mừng lễ các cha ông tử đạo tại Việt Nam… là để nhắc lại những gương mẫu sống đời sống Đức tin của cha ông chúng ta, các Ngài sống một tình yêu như Chúa yêu thương đến mức bỏ cả mạng sống của mình. Trong những khi khó khăn thử thách kể cả mất mạng sống các Ngài vẫn giữ được cái tâm bình an, vẫn giữ được tình yêu mến như  Chúa yêu mến…. Các Ngài là hiến thân của đời sống thống nhất trong tình yêu Chúa và yêu người”. Đức Cha nhắc nhở hai tiến Chức rằng: “Thứ nhất: hãy lo chu toàn ba nhiệm vụ Giảng huấn, Thánh hóa và Lãnh đạo theo gương Thầy chí Thánh Giêsu. Thứ hai: Các con cần ý thức rõ ràng có hoàn thành nổi là nhờ ơn Chúa. Thứ ba: xin Chúa ban cho chúng con hãy nhớ và đừng bao giờ quên mình là người của Chúa, được đặt lên để phục vụ dân Chúa…”

       (Sau phần giáo huấn của Đức Cha là phần lời hứa của các tiến chức, tiếp đến phần hai: Bí tích Truyền Chức, Đức Giám mục đặt tay và đọc lời nguyện phong chức để ban ChúaThánh Thần và ban thừa tác vụ, tiếp đến là lời nguyện phong chức, Cha phó bề trên nhà Pleiku và Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế mặc áo lễ cho các tân chức, kế đến là nghi thức  xức dầu lòng bàn tay, cuối cùng là nghi thức trao chén Thánh và trao hôn bình an của ĐGM và các Linh mục).

        Phần cuối Thánh lễ Cha bề trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế  kể về chặng đường đầy khó khăn của anh em Dòng CCT khi lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên 10.10.1969, lúc đầu chỉ với 4 tu sĩ dòng CCT sau khi vâng lời Đức Cha Paul Seitz [Kim] là hãy đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Cha Giám Tỉnh nói tiếp: Từ đó đến ngày hôm nay 36 năm đã trôi qua xuyên qua các thời kỳ của các Đức Giám mục. Các Đức Cha, các linh mục, tu sĩ nam nữ, anh chị em trong Giáo phận đã dành cho anh em dòng CCT sự hy sinh nâng đỡ tuyệt vời, khiến anh em DCCT có thể vượt qua mọi khó khăn để trung thành với nhiệm vụ mà đã được Đức Cha Paul Seitz [Kim] giao phó và để thi hành việc đó trong mọi hoàn cảnh cho đến ngày hôm nay. Sau đó Cha Giám tỉnh thay mặt tỉnh dòng CCT và gia đình hai tiến chức gởi lời cám ơn đến Đức Cha đương nhiệm, Hai Đức Cha tiền nhiệm, các linh mục, tu sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn đã cộng tác, giúp đỡ dòng CCT trong thời gian vừa qua.

Để chuẩn bị cho Thánh lễ ngày hôm nay. Đêm hôm trước vào ngày 23.11 đã diễn ra “Đêm canh thức diễn nguyện”. Có khoảng 6000 người tham dự  trong không khí rất sôi nổi, vui tươi như một ngày hội. Mọi người cùng nhau nhảy múa theo tiếng cồng chiêng thành các vòng tròn, chính giữa là  ngọn lửa diễn nguyện và Cây Nêu. Đêm diễn nguyện gồm các nghi thức như: Nghi thức Kết nghĩa anh em giữa Thầy Batôlômêô Nguyễn Đình Phước với người anh em dân tộc Bahnar. Tiếp đến là nghi thức kết nghĩa mẹ con giữa Thầy Đa minh Phạm Mạnh  Niệm với người mẹ Jarai… Cuối  cùng là nghi thức dâng con cho Chúa. Mẹ kết nghĩa cũng như mẹ ruột của hai Thầy sẽ dâng con của mình cho Cha Giám Tỉnh đại diện cho Hội Thánh tiếp nhận hai Thầy….. Điều đặc biệt của các nghi thức là sự hòa quyện hài hoà giữa truyền thống dân gian của anh em dân tộc và ý nghĩa thiêng liêng của Chúa. Sau khi các nghi thức kết thúc. Tất cả mọi người vẫn ở lại để cùng nhau nhảy múa theo tiếng cồng chiêng cho đến tận khuya. Lúc này tất cả tràn ngâp sự yêu thương, gắn kết giữa mọi người với nhau, dường như xóa tan đi màn đêm lạnh giá của những ngày thời tiết chuyển lạnh.

       Hiện Giáo phận KomTum có khoảng 220.000 giáo dân. có 249 xứ họ. Trong đó có 46 linh mục, vì thế  Giáo phận vẫn còn trong tình trạng thiếu Linh mục. Cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo phận hai vị tân Linh mục để coi sóc đoàn Chiên của Chúa.

Xin Quý vị tiếp tục cầu nguyện cho các tân linh mục, cách riêng Giáo phận Kontum có thêm nhiều mục tử chăn dắt đoàn chiên như lòng Chúa mong ước.

Văn Khoa, Sv Sài Gòn.

 

Bài Giảng của Ðức Hồng Y Crescanzio Sepe, Tổng trưởng bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc, tại Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo Tổng Giáo Phận Saigòn

 

Ngày Chúa Nhật II Mùa Vọng, 4/12/2005. "Hãy Dọn Ðường Cho Chúa" (Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-8).

 

Anh chị em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô,

I. Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng mời gọi chúng ta dọn đường cho Chúa và đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế. Gioan Tẩy Giả là người mà Chúa Giêsu đã nói: "Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào" (Lc 16,16). Gioan cũng là người được nhắc đến trong lời sấm của ngôn sứ Isaia: "Có tiếng người hô trong sa mạc: "hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Mt 3,3). Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Ðấng Mêsia ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: cha ông là Dacaria đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. "Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa" (Lc 1,65).

Gioan Tiền Hô đã thực thi ơn gọi làm Tiền Hô trong việc chuẩn bị một cách hết sức thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. "Ông Gioan Tẩy Giả mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ông rừng" (Mc 1,6). Chúng ta biết rằng hoang địa biểu trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn tất cả những gì bao vây con người, tất cả nhũng gì không phải là Thiên Chúa. Hoang địa cũng là nơi con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của thiên nhiên và của Ðấng Tạo Dựng. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống trong sự hiệp thông thân mật với Người để nhận lấy sức mạnh và để tận hiến cho con người sau này. Chỉ sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng như vậy Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội.

Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi đám đông đến với ngài là hãy dọn đường cho Chúa. Chính Gioan đã làm gương đi đầu. Bằng chứng tá sống động của mình, Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta rằng những ồn ào của lễ lạc, cuộc sống xa hoa, tiện nghi không phải là nơi lý tưởng của việc loan báo Thiên Chúa; Cũng không phải là nơi lý tưởng để lắng nghe tiếng mời gọi sám hối và trở lại. Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta hiểu rằng "chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy" (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan Tẩy Giả cũng giúp chúng ta hiểu rằng chính chứng tá của đời sống Kitô đích thực - là đời sóng hoàn toàn giao phó mình cho Thiên Chúa trong sự hiệp thông không gì có thể làm đứt đoạn và đồng thời cũng là đời sống hiến dâng cho con người với lòng nhiệt thành vô hạn - là phương cách đầu tiên của Công Cuộc Phúc Âm hóa (x. Loan báo Tin Mừng, 41). Vì chứng tá của Gioan Tẩy Giả là chứng ta khả tín và ăn khớp nên "mọi người từ khắp miền Giuđa và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan" (Mc 1,5).

II. Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả, chúng ta biết rằng Gioan Tẩy Giả đã sống sứ vụ của ông một cách sâu sắc đến hy sinh cả mạng sống. Ông nhìn nhận mình chỉ là một "tiếng kêu" trong hoang địa để dọn đường cho Ðấng Mêsia sẽ đến sau nhưng mạnh mẽ và cao trọng hơn ông rất nhiều đến độ ông "không xứng để cởi dép cho Người". Tất cả cuộc sống và sứ mạng của Gioan là dành riêng cho Ðấng Mêsia. "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi" Gioan đã nói thế. Chúa Giêsu càng ngày càng xuất hiện thì Gioan càng ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Ðó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Ðó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta: "Tất cả cho Chúa!".

Anh chị em thân mến,

Chúng ta có bổn phận chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, chuẩn bị cho người khác để họ đi theo Chúa. Ðó là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống đời thường: biểu lộ Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người láng giềng. Ðiều quan trọng là Chúa Giêsu được nhận ra và đón rước là "Ðường, Sự Thật và Sự Sống". Ðức Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Nữ Tỳ của Thiên Chúa, chỉ cho chúng ta Con của Mẹ: "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5), có nghĩa là anh chị em hãy đón rước Chúa Giêsu, hãy vâng lời Chúa Giêsu, hãy tuân giữ các giới răn của Người, hãy tin tưởng nơi Người. Người là phương án duy nhất của một cuộc sống thật sự thành công và hạnh phúc. Người cũng là nguồn mạch duy nhất về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta (x. Ðức Gioan Phaolô II, Ðại hội Giới Trẻ thế giới lần III, Cử hành giáo phận, ngày 27/3/1988).

Tất cả chúng ta đều được mời làm sứ giả của Chúa, làm người loan báo Chúa Kitô. Chúng ta được mời làm chứng, bằng lời nói và đời sống của chúng ta, cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó, nhân từ; một Chúa Kitô làm người và nhập thể vào thế giới, hoàn toàn nên giống mọi người trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ; một Chúa Kitô bỏ 99 con chiên trong giàn để đi tìm một con chiên lạc; một Chúa Kitô gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi để rao giảng Tin Mừng cho họ và đem họ trở về với Phúc Âm; một Chúa Kitô không lên án nhưng thứ tha và mời gọi tội nhân đừng phạm tội nữa. Nhưng trước hết, trước tất cả những điều tôi vừa trình bày, chúng ta đã chẳng phải tìm biết Chúa Kitô, yêu mến Người, noi gương bắt chước Người, sống với Người một Cuộc Sồng Ba Ngôi nơi Người và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi hoàn thành trong Giêrusalem thiên quốc sao? (x. Bước vào Thiên Niên Kỷ Mới, 29).

III. Trong Mùa Vọng chúng ta được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, sự chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ của chúng ta; là xóa bỏ ranh giới Bắc-Nam còn tồn tại trong não trạng của nhiều người trong chúng ta; cũng có nghĩa là tinh luyện tâm hồn chúng ta; là chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, cho tình huynh đệ và liên đới; là từ khước Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1Cr 7,34); cuối cùng là "sống thánh thiện trong cách ăn nết ở để nên giống Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh" (1Pr 1,15-16). Trong khi chờ đợi Chúa đến, Thánh Phêrô, trong đoạn thư mà chúng ta vừa nghe, kêu gọi chúng ta hãy làm tất cả để Chúa Kitô thấy chúng ta "tinh tuyền và không có chi đáng trách" (2Pr 3,14). Ðó là sự thánh thiện mà Ðức Gioan Phaolô đệ II đáng kính nhớ coi là một cấp bách mục vụ trong thời đại chúng ta và ngài đã đề nghị làm ưu tiên số một về mục vụ của Thiên Niên Kỷ thứ III này (Bước vào Thiên Niên Kỷ mới, 30).

Chúng ta không là những Tiền Hô mà còn là những Chứng Nhân của Chúa Kitô nữa. Nhờ ơn Phép Rửa chúng ta đã nhận được vinh dự và trách nhiệm làm chứng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, bằng lời nói và việc làm. Thử hỏi chúng ta làm chứng Ðức Tin Kitô của chúng ta như thế nào giữa các bạn đồng nghiệp, trong gia đình, nơi trường học và trong khu vực sinh sống? Thử hỏi chúng ta có đủ sức mạnh để thuyết phục được những người chưa tin Chúa không? thuyết phục được những người không yêu mến Chúa và những người có ý tưởng sai lạc về Người không? Ðời sống của chúng ta có là chứng cứ hoặc ít ra là một dấu chỉ ủng hộ hay có lợi cho Chân Lý của Ðạo Chúa Kitô không? Hội Thánh ở Việt Nam đã từng rất hãnh diện được xếp hàng thứ nhì sau Philippines về tỷ lệ người Công Giáo, có còn giữ được chỗ đứng ấy hay không hay đã nhường chỗ ấy cho Giáo Hội nào khác trong vùng? Tiền Hô và Chứng Nhân, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm chứng và chỉ đường cho người khác đến với Chúa Giêsu. "Trách nhiệm của chúng ta rất nặng nề, bởi vì là chứng nhân của Chúa Kitô trước hết đòi chúng ta phải có một tác phong tương xứng với giáo lý của Người, tiếp đến đòi chúng ta phải chiến đấu để cách ăn nết ở của chúng ta làm người ta nhớ đến Chúa Giêsu và gợi lên hình ảnh rất dễ thương của Người. Cách sống của chúng ta phải làm sao đó để những người khác có thể nói: người đó đúng là một Kitô hữu, bởi vì ông/anh ta, bà/chị ta không ghen ghét, biết cảm thông, không bị lôi kéo bởi lòng nhiệt thành thái quá, làm chủ các bản năng của mình; vì ông/anh ta, bà/chị ta hy sinh chính bản thân và thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình và yêu thương người khác" (J. Escriva E' Gesù che passa, 122).

Bây giờ chúng ta hãy chuẩn bị đón rước Chúa vì Người sẽ đến trên bàn thờ này và trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nguyện cầu Mẹ Maria, Mẹ các Kitô hữu, Mẹ chúng ta, để xin Mẹ dạy chúng ta biết phải chuẩn bị như thế nào cho xứng đáng đón rước Con Mẹ và xin Mẹ chỉ cho chúng ta biết chúng ta phải chỉ cho người khác như thế nào để họ nhận biết Ðấng Mêsia, Ðấng Cứu Ðộ nhân loại. Amen.

 

Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe

 Giêrônimô Nguyễn Văn Nội (chuyển dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt)

 

Text Box:  TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

Đức Bênêđictô XVI và Công Đồng Vatican II

 

 (Nhân ngày bế mạc Công Đồng Vatican II, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8 tháng Mười Hai năm 1965, chúng tôi chuyển dịch một bài viết của John Thavis trên trang Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để bạn đọc tham khảo)

 

 

 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, một người thấm nhuần tinh thần Công Đồng Vatican II một cách sâu đậm, giờ đây ở vào một vị trí ngài có thể vạch thảo con đường mà toàn thể Giáo Hội phải theo để thực hiện những giáo huấn Công Đồng.

 

Father Joseph Ratzinger, right, talks with an unidentified prelate in this photo taken in 1962 during the Second Vatican Council. The future Pope Benedict XVI attended all four sessions of the council as a theological adviser to German Cardinal Joseph F rings of Cologne. (CNS photo from KNA)Cha Joseph Ratzinger (bên phải), đang nói chuyện với một Nghị Phụ  không được xác định Anh chụp năm 1962 khi Công Đồng Vatican II đang nhóm họp.

Những năm trước đây, ngài đã từng cảnh báo Giáo Hội đã chứng kiến “một tiến trình suy thoái” nhân danh những gì  được gọi là “tinh thần Công Đồng”. Ngài đặc biệt phê phán những cải cách Phụng Vụ mà Công Đồng Vatican II đề khởi. Tuy nhiên, trong bài giảng khai mạc sứ vụ, ngài nói Công Đồng và việc đọc lại Tin Mừng theo thẩm quyền Giáo Hội sẽ là “điểm quy chiếu” trong triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài nói: “Năm tháng đã trôi qua, nhưng giáo huấn của Công Đồng không hề mất đi tính thời sự của nó; thật vậy, những giáo huấn ấy đang chứng tỏ cho thấy sự thích hợp đăc biệt cho hoàn cảnh mới của Giáo Hội cũng như cho xã hội toàn cầu hoá của chúng ta”.

 

Bằng nhiều cách thức, Đức Bênêđictô XVI đã bao quát toàn bộ kinh nghiệm của Giáo Hội về Vatican II.

            - Là cố vấn thần học cho Đức Hồng Y Joseph Frings của Đức, cha Joseph Ratzinger lúc đó đã tham dự cả bốn phiên họp Công Đồng từ năm 1962 đến năm 1965. Ngài mạnh mẽ hưởng ứng những bước khởi đầu và những quyết tâm đổi mới của Công Đồng.

            - Ngài bắt đầu bày tỏ những băn khoăn trong những phiên họp về sau và than phiền rằng Công Đồng để lại một cảm tưởng Giáo Hội vận hành như một quốc hội và “đức tin có nguy cơ bị biến dạng”.

            - Sau khi Công Đồng kết thúc, ngài cảnh giác những khuynh hướng sai lạc trong việc thực thi các giáo huấn Công Đồng và giúp thiết lập một tạp chí thần học nhằm tạo lại thế quân bình đối với những gì mà ngài gọi là khuynh hướng “chính trị Giáo Hội” trong thần học.

            - Là một nhân vật đứng đầu Toà Thánh chịu trách nhiệm về giáo lí và đức tin trong gần 24 năm, ngài đã ngăn chặn những lạm dụng, rọi sáng học thuyết của Công Đồng trong những lãnh vực thể nghiệm thần học, chuẩn phê các bản văn phụng vụ, nghiên cứu Kinh Thánh, ấn định các thừa tác vụ giáo dân, xác định vai trò của các hội đồng giám mục, mở hướng về đối thoại đại kết và liên tôn giáo.

 

            Một nhà nghiên cứu người Mỹ, George Weigel nhận định rằng khi còn là một chuyên viên thần học trẻ, cha Ratzinger hiểu được sự thật quan trọng về Công Đồng Vatican II: “aggiornamento,” hay canh tân Giáo Hội phải dựa trên nền tảng “phục hồi”, phải trở về nguồn khôn ngoan của Kitô giáo và đào sâu sự thấu hiểu về chính Giáo Hội. Weigel viết tiếp: “Cha Ratzinger …hiểu rằng hai điều phải song hành với nhau – ‘canh tân’ mà không ‘đào sâu’ chỉ biến Giáo Hội thành một tổ chức duy ý khác, dành để làm việc thiện.”

 

Weigel viết về đề tài Đức Bênêđictô XVI và Công Đồng Vatican II trong cuốn sách mới của ông,  God’s Choice: Pope Benedict XVI and The Future of The Catholic Church , ( 2005 ) (Sự chọn lựa của Chúa: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Tương lai của Giáo Hội Công Giáo) nói vị Giáo Hoàng mới có một ảnh hưởng to lớn trong việc thực hiện các giáo huấn Công Đồng dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Ông viết tiếp: “Ngày hôm nay thử thách lớn nhất của một nhà ‘thực hiện’ Công Đồng Vatican II sẽ là thành công của ngài trong việc tìm ra những giám mục thể hiện được quan điểm của Công Đồng về Giám mục-như là- Tông Đồ.”

 

Sử gia chuyên về Giáo Hội người Ý Alberto Melloni nói Đức Bênêđictô XVI đã đem đến cho Vatican II chiều sâu thần học và vẫn là “người con của Công Đồng” sau nhiều năm trôi qua. Ông nói tiếp, được đắc cử Giáo Hoàng việc thực hiện Công Đồng Vatican II, đối với Đức Bênêđictô XVI là vấn đề điều hành chứ không còn phải chỉ là vấn đề lí luận hay suy tư thần học. Ông nói: “Những gì ngài suy tư tại Công Đồng là quan trọng thì điều đáng giá hơn giờ đây là công việc ngài thực hiện trong cương vị Giáo Hoàng, nhất là trong những lĩnh vực gay go là cộng đoàn tính Giám Mục và đại kết”. Những năm trước khi được chọn làm Giáo Hoàng, những nhận định của Đức Hòng Y Ratzinger về gia sản Công Đồng đã lôi kéo nhiều chú ý, đặc biệt khi ngài bàn về Phụng Vụ. Năm 1997, ngài nói rằng đường hướng canh tân quyết liệt mà Đức Phaolô VI thực hiện đối với Thánh Lễ đã gây ra “những nguy hại to lớn” cho Giáo Hội. Đức Ratzinger nói những thay đổi đó là không cần thiết; nhưng xét theo nhiều khía cạnh Sách Lễ Rôma mới thật sự là một bước cải tiến.

 

Theo quan điểm của ngài thì vấn đề là sách lễ Rôma cũ cần phải được thay thế. Nhưng Phụng vụ cũ lại bị huỷ bỏ, làm mất đi tính liên tục và Thánh Lễ mới được xây dựng từ những mảnh vụn của Phụng vụ cũ. Ngài nói: “Tôi xác tín rằng những khủng hoảng trong Giáo Hội mà chúng ta thấy hôm nay một phần lớn do ở sự phân tán về Phụng vụ”.

 

Đức Ratzinger kêu gọi một “phong trào Phụng vụ mới đem lại sức sống cho gia sản của Công Đồng Vatican II.” Năm 1999 ngài viết một cuốn sách về đề tài này và nói rằng Phụng vụ mới cần phải tạo thêm không gian cho sự thinh lặng, cho những cử điệu theo truyền thống Kitô giáo, cho âm nhạc thích hợp và những yếu tố khác giúp phát huy thái độ tôn thờ.

 

Đức Ratzinger đã khơi dậy một cuộc tranh luận sâu rộng vào những năm 90 khi nói rằng ngài đồng ý với những tranh luận thần học cho sự hồi phục vị trí của bàn thờ thời tiền Công Đồng, khi đó linh mục cử hành Thánh Lễ mặt hướng về hướng Đông và quay lưng trước cộng đoàn. Nhưng ngài cũng nói rằng điều này hẳn là đã quá muộn vì nếu đổi ngược lại ắt không tránh được những bối rối cho người Công Giáo. Cũng vậy, ngài nói rằng hiện nay quay trở lại với việc cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh là không thể được và có lẽ không cần thiết.

 

Vì những tuyên bố trong quá khứ như vậy mà nhiều người Công Giáo hi vọng Đức Bênêđictô XVI sẽ tạo ra những thay đổi mau chóng trong phụng vụ do Đức Giáo Hoàng cử hành, cắt bỏ những yếu tố đa văn hoá quá nổi bật trong triều Đức Gioan Phaolô II. Cho tới  nay thì điều này chưa xảy ra. Vào dịp Quốc Tế Giới Trẻ vừa qua tại Cologne, Thánh Lễ do Đức Thánh Cha cử hành được sống động nhờ tiếng trống Phi Châu, đàn sitar và kèn Nam Mỹ.

 

Ngoài những vấn đề Phụng vụ như thế, Đức Bênêđictô XVI còn luôn quan tâm đến những suy tư thần học và Giáo hội học. Khi Công Đồng khai mạc phiên thảo luận sôi nổi về nguồn Mặc Khải vào năm 1962, cha Ratzinger trẻ trở thành một người chủ chốt.

 

Cuộc tranh luận về Mặc Khải liên quan đến vấn đề làm thế nào Thánh Kinh và truyền thống liên quan với nhau, và cả hai liên hệ với huấn quyền như thế nào. Đó là một cuộc tranh luận dành cho những chuyên viên, nhưng đã tạo được âm vang lớn trong cách thế Giáo Hội hiểu về chính mình.

 

            Theo quan điểm của Cha Ratzinger, có một khuynh hướng nguy hại trong việc giải thích Kinh Thánh khi cho rằng Kinh Thánh là kho tàng trọn vẹn của Đức Tin – một phương thức tạo ra uy thế lớn cho những người giải thích Kinh Thánh, nhưng lại hạ giảm hoặc vô hiệu hoá quyền giáo huấn và truyền thống Giáo Hội. Ngài nói những nhà giải thích thường bất đồng ý kiến và điều này làm cho đức tin bị tổn hại trước những giả thuyết và những lập trường trái ngược nhau.

 

Khi Công Đồng quyết định vấn đề thì Cha Ratzinger soạn thảo một tài liệu có tính lịch sử để trình bày, như sau đó ngài đã viết: “Mặc khải…thì quan trọng hơn những từ ngữ của Kinh Thánh,” và Giáo Hội cũng như truyền thống tự bản chất đều liên quan tới Mặc Khải.

 

Những biện luận đó cuối cùng đã chiếm ưu thế tại Công Đồng. Sau này Đức Bênêđictô XVI nói rằng Hiến Chế Tín Lí về Mặc Khải là một trong những bản văn nổi bật của Công Đồng – nhưng cũng là một tài liệu mà Giáo Hội chưa hiểu trọn vẹn.

 

Theo một ý nghĩa tổng quát thì điều mà vị Giáo Hoàng tương lai băn khoăn đó là kết quả của Công Đồng làm cho người ta có cảm tưởng rằng mọi chuyện trong Giáo Hội cần phải mở rộng để xét lại, và rằng những đường hướng chính trị của xã hội trần tục có thể giúp Giáo Hội quyết định vấn đề.

 

            Ngài đã cảnh báo về những bất mãn nổi lên chống-Rôma và về tư tưởng một “ Giáo Hội dân lập”, hay “Giáo Hội từ dưới đi lên”, trong đó dân chúng tự mình định nghĩa về “ Giáo Hội”. Ngài cũng than phiền rằng niềm tin tưởng mới mà Vatican II gửi gắm nơi các nhà thần học đang làm cho họ có cảm tưởng như thể họ không còn phục quyền các giám mục nữa.

 

Những điều quan tâm này xuất hiện trong nhiều tài liệu được phổ biến trong thời gian Đức Ratzinger giữ vai trò Tổng Trưởng Bộ Giáo Lí Đức Tin. Nổi bật nhất đó là vào năm 1984, Bộ đã cảnh cáo chống lại việc lạm dụng những quan điểm Mác-xít trong thần học giải phóng; năm 1990, Bộ cũng đã triệu tập các nhà thần học bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội và chỉ thị cho họ không được dùng những phương tiện truyền thông để phổ biến những quan điểm của họ và tạo áp lực thay đổi đối với Giáo Hội; năm 1992 Bộ cũng đã chỉ thị cho các nhà thần học không được quá nhấn mạnh đến tính tự lập của các Giáo Hội địa phương để rồi thu giảm sự hiệp thông Giáo Hội chỉ vào chiều kích xã hội học.

 

Công Đồng Vatican II mở cửa cho đối thoại đại kết và liên tôn giáo, Đức Hồng Y Ratzinger đã tỏ rõ  những phẩm chất sáng chói trong cả hai lĩnh vực này. Năm 2000, Bộ phổ biến Thông Điệp “Dominus Iesus” về ơn cứu độ duy bởi Chúa Kitô, và tài liệu thứ hai về “Những Giáo Hội Chị Em.” Cả hai văn kiện đã tạo nên những cuộc phê phát gắt gao về phía những thành phần đối thoại.

 

Khi khẳng định Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội là cần thiết cho ơn cứu độ, “Dominus Iesus” tạo ấn tượng nơi một số độc giả rằng đó là văn kiện mang tính loại trừ – dù Vatican trấn an rằng đó chỉ là một cách diễn đạt đức tin Công Giáo. Văn kiện về “Các Giáo Hội Chị Em” sử dụng từ ngữ chỉ được dùng để diễn tả những Giáo Hội cùng duy trì chức Giám mục hợp pháp và Bí Tích Thánh Thể như các Giáo Hội Chính Thống; và tài liệu này đã bị các nhà lãnh đạo Anh Giáo và Tin Lành chống đối kịch liệt.

 

Cả hai văn kiện đều chủ yếu dựa vào những giáo huấn của Công Đồng Vatican II để bảo vệ những luận chứng của mình. “Dominus Iesus” hơn 50 lần trưng dẫn các văn kiện Công Đồng, bao gồm cả lời khẳng quyết về vai trò “trung gian duy nhất” của Chúa Kitô trong công trình cứu độ. Trong văn kiện thẳng thắn đó, Đức Hồng Y Ratzinger nói: ý tưởng cho rằng Giáo Hội không bao giờ kiên quyết về sự thật trong các giáo huấn của mình thì “hoàn toàn xa lạ” với những gì Vatican tâm niệm.

 

Trong cuốn sách xuất bản năm 1987 của ngài, “Giáo Hội, Đại Kết và Chính Trị,” Đức Hồng Y Ratzinger cho rằng để có thể hiểu được giáo huấn của Công Đồng về đối thoại người ta phải tìm hiểu “giáo huấn cốt lõi” của Công Đồng về Giáo Hội như là mầu nhiệm hiệp thông. Ngài hối thúc cần có cái nhìn sâu sát hơn vào ngôn ngữ của các văn kiện Công Đồng để phi bác một ý tưởng cho rằng một nhóm người nào đó chỉ “tụ họp lại, đọc Tân Ước, rồi tuyên bố: ‘Chúng tôi là Giáo Hội !’.”

 

Ngài cũng biện luận rằng Công Đồng mở rộng cộng đoàn tính Giám mục như là một thực tại thần học, nhưng lại bị hiểu lầm cho đó là một hình thức chia sẻ quyền lực. Cách riêng, ngài đặt vấn đề về thẩm quyền giáo huấn của các Hội Đồng Giám Mục, và tuyên bố năm 1985 rằng những Hội Đồng Giám Mục “không có nền tảng thần học.” Năm 1998, một văn kiện toà thánh do Đức Hồng Y Ratzinger soạn thảo nhấn mạnh hạn  quyền của các Hội Đồng Giám Mục, khẳng định rằng những vấn đề tín lí không bao giờ có thể được quyết định do đa số bầu phiếu.

 

Sự nở rộ một con số đa dạng các thừa tác viên giáo dân trong Giáo Hội cũng được Đức Hồng Y Ratzinger để tâm xem xét kĩ lưỡng. Bộ Giáo Lí Đức Tin hướng dẫn soạn thảo một tài liệu kí năm 1997, chủ yếu dựa trên các văn kiện của Vatican II, khen ngợi việc giáo dân tham gia vào Gíao Hội, nhưng cảnh báo chống lại những nhầm lẫn về vai trò của giáo dân với những thừa tác viên có chức thánh. Trong nhiều trường hợp, Đức Ratzinger nhấn mạnh rằng vai trò ưu tiên của giáo dân mà Vatican II nhắm đến, đó là loan báo Tin Mừng và thánh hoá trần thế.

 

Trong cả hằng trăm lần, mỗi khi viết hoặc nói về Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI luôn luôn ủng hội quyền giáo huấn của Công Đồng. Nhưng ngài nói rằng những giáo huấn này cần được cẩn thận nghiên cứu, cần được uyển chuyển, và trước hết, cần một sự thấu hiểu thích đáng Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội.

 

Nói chung, Đức Giáo Hoàng đã coi Công Đồng như một bước đột phá theo nghĩa Giáo Hội ảnh hưởng trên trần thế, chứ không phải trần thế tạo ảnh hưởng trong Giáo Hội. Quan điểm này được phản ánh rõ nét trong tài liệu của Bộ Giáo Lí Đức Tin năm 2003 về vấn đề những người Công Giáo và chính trị, phán quyết rằng những người bầu phiếu và những người làm luật Công Giáo phải dùng đức tin của mình để tác động vào những vấn đề chính trị. Văn kiện này chủ yếu dựa trên Hiến Chế Mục Vụ của Công Đồng Vatican II về Giáo Hội trong Thế Giới Hôm Nay.

 

Ngoài những cải tổ nội bộ Giáo Hội theo Vatican II, Đức Bênêđictô XVI còn nhấn mạnh mục tiêu rộng lớn hơn của Công Đồng: sống đức tin ra ngoài khung cảnh riêng tư cá nhân và canh tân đức tin để nó trở thành sức mạnh điều hướng lịch sử. Ngài nói, để hiểu Công Đồng Vatican II một cách chính xác, người ta phải bắt đầu bằng câu đầu tiên trong Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội: “Chúa Kitô là ánh sáng cho mọi dân tộc.” Ở khởi điểm, Giáo Hội phải rao giảng Chúa Kitô chứ không  nói về chính mình

 

Lm. Giuse Ngo Quang Trung chuyển ngữ

 

CÙNG NHAU TIẾN BƯỚC

Giáo Hội Công Giáo đối thoại với các truyền thống tôn giáo trên thế giới tài liệu của Hội Đồng Giáo Hoàng về đối thoại tôn giáo.Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano – 1999. Lm Lê Xuân Tân dịch thuật

PHẬT GIÁO

 

Nguồn gốc

 

Phật giáo, gọi như vậy ở phương Tây, còn các phật tử lại gọi là Dharma, xuất hiện vào thế kỷ thứ VI trước Chúa Giáng Sinh. Đấng sáng lập Phật giáo là một nhân vật lịch sử, Siddhartha Gautama, thuộc giai cấp thống trị (kshatriya). Các phật tử gọi cách thân thương là “Sakyamuni” bởi vì ngài thuộc bộ tộc Sakya sống ở một phần lãnh thổ phía Bắc Ấn độ cổ. Siddhartha Gautama sau đó trở thành “Phật”, nghĩa là Đấng Giác Ngộ, và Ngài rảo bước khắp Ấn độ để thuyết pháp về Dharma cho mọi người.

 

Đức Phật dạy gì ?

 

Những chân lý tự nhiên làm thành giáo huấn của Đức Phật. Nói cách khác, Đức Phật không cho rằng mình đã tạo hay khám phá ra những chân lý mới. Người ta coi Ngài chỉ làm một công việc là thu thập lại những chân lý đã có. Các phật tử nói về “Tam Bảo” của tôn giáo họ, đó là Phật, Pháp và Tăng. Môn đồ qui y theo Phật đà, Phật Pháp và Tăng già. Bằng cách tránh hai thái cực, hoặc quá chiều theo đam mê hoặc quá giữ một đời sống khổ hạnh vô ích, Đức Phật khuyên nên theo con đường Trung Dung, con đường đem đến sự sáng suốt và hiểu biết, an bình và giác ngộ và đưa môn đồ chứng quả Niết Bàn, sự giải thoát sau cùng khỏi vòng sanh tử luân hồi. Mục đích của mọi phật tử là làm sao chấm dứt được đau khổ. Đức Phật đã thuyết pháp Tứ Diệu Đế: 1/ Khổ đế: đời là bể khổ mênh mông; 2/ Tập đế: nguyên nhân của Khổ đế; 3/ Diệt đế: diệt trừ được đau khổ sẽ trở nên thế nào; 4/ Đạo đế: phương pháp diệt trừ đau khổ. Tứ Diệu Đế là trọng tâm của giáo lý chính yếu trong Phật giáo.

 

Dù đơn giản và lôi cuốn, giáo lý phật giáo cũng trừu tượng và khó hiểu. Coi mọi sự vật trong thế gian đều luôn biến chuyển, đổi thay (anitya), bất túc (dukkha), vô thường (anatman), nên giáo lý phật giáo quả quyết rằng tất cả mọi sự vật hiên hữu đều có ba đặc tính liên kết chặt chẽ với nhau đó là mau qua, đau khổ và không có hồn bất tử, thường hằng. Mỗi người tự mình phải trải qua kinh nghiệm này. Điều đó đưa đến kết luận là những điều xấu của một người không thể được coi như là những lầm lỗi cá nhân; nhưng chúng đâm rễ trong lối sống của con người và tất cả nội dung của lối sống này là sự trộn lẫn bệnh hoạn những nhu cầu không thoả mãn, những tham vọng mâu thuẫn nhau, những nỗi sợ hãi, những phiền muộn ray rứt, những khổ đau, v.v. Phật giáo cho rằng cuộc đời đã qua của chúng ta bị chi phối bởi vô minh, vô minh làm phát sinh nghiệp (karma: những tạo tác hay việc làm). Những tạo tác này chi phối ý thức cá nhân. Ý thức này đặt tên và tạo hình tượng cho mọi sự vật. Mọi sự vật trở nên thường hằng đối với con người, nhưng trong thực tế, mọi sự vật đều vô thường, luôn thay hình đổi dạng, từ trạng thái hình thành đến tan rã. Phật giáo cho rằng chúng trải qua 4 giai đoạn: thành (sanh), trụ, hoại (dị), không (diệt)   Chính vì bám víu vào những sự vật vô thường như vậy mà chúng ta bị lôi cuốn vào vòng lẩn quẩn đau khổ, phiền muộn và thất vọng.

 

Đức Phật đã đề nghị một “con đường” cụ thể (marga) diệt trừ đau khổ: đó là Niết Bàn (nirvana), có nghĩa là “cũng giống một ngọn đèn đã được lấy đi, ngọn đèn đó không thể chiếu sáng những ngọn đèn khác nữa, cũng vậy, ngọn lửa của ước muốn (lobha), của ghen ghét (dosha), của đam mê (raga), và của thất vọng (moha) tắt đi.” Niết Bàn là một tình trạng “không phiền não”, không xuất hiện mà cũng không biến mất, thoát khỏi mọi đổi thay và thời gian.

 

Phật tử là ai?

 

Phật tử là tất cả những ai muốn theo con đường Đức Phật đã ngộ ra và đề nghị. Giáo lý của Đức Phật nằm trong Tam Tạng (Tipitika), tức Kinh (sutra), Luật (vinaya), Luận (abhidharma).

 

Mỗi phật tử cố gắng noi theo giáo lý của Đức Phật. Đó là Bát chánh đạo, bao gồm ba yếu tố: giới luật, thiền định, bát nhã (trí).

 

Giới luật là những điều luật để phòng ngừa và tránh cho thân thể, lời nói và tâm ý khỏi phạm điều quấy. Giới hệ tại cương quyết và ý thức tránh tội về thân xác như sát sanh, trộm cắp, xa hoa, vọng ngữ, vu khống, xúc phạm, nói nhiều cách vô ích, tham lam, ác tâm, lầm lạc, v.v. Thiền định hệ tại sự cố gắng diệt ham muốn, đam mê, ghen ghét, thất vọng. Trí hay bát nhã không phải là ngộ đạo hoặc trực giác về một nội dung mơ hồ, bất định. Đó là một cái nhìn minh bạch, rõ ràng và thấu suốt về 3 đặc tính chung của thực tại:  mọi thực tại đều mau qua, mọi thực tại phát xuất từ ước muốn đều đau đớn và thực tại không bao giờ thường hằng, bất biến.

 

Phật giáo là một tôn giáo?

 

Có lẽ nói Đức Phật lập tăng già (sangha: cộng đoàn tăng lữ hoặc tỳ kheo) đúng hơn là một tôn giáo. Khi lập một cộng đoàn khất sĩ (bhikshu), Đức Phật có ý cho các đệ tử xuất thế, muốn họ theo “con đường” của người mặc áo cà sa, và nhờ đó, đưa họ đến giải thoát (nirvana) một cách mau lẹ nhất.

 

Đầy lòng từ bi với những thiện nam tín nữ (cư sĩ tại gia) đạo đức vật lộn với đời sống vật chất hằng ngày, Đức Phật cũng lập nhóm huynh đệ cư sĩ và nhìn nhận họ là thành phần của cộng đoàn. Thiện nam tín nữ có một chút hy vọng đạt đến Niết Bàn cách trực tiếp; họ có thể ước mong một sự đầu thai hạnh phúc trong thế giơí loài người và thế giới thần linh. Bổn phận chính của họ là giúp đỡ vật chất cho các tăng lữ giúp các tăng lữ cái ăn cái mặc và chỗ ở.

 

Ngày nay Phật giáo được tổ chức thế nào?

 

Vài thế kỷ sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, cộng đoàn tăng già chia rẽ vì những giải thích khác nhau về giáo lý của ngài. Ngày nay có 3 tông phái Phật giáo: 1/ Phật giáo Tiểu Thừa Theravada nhìn nhận “những gì được người xưa dạy”, hiện diện ở Sri Lanka, Miến Điện, Việt nam (một số tông phái), Lào, Căm-bốt và Thái Lan; 2/ Phật giáo Đại thừa (Mahayana) tự nhận là “chiếc thuyền lớn”, hiện diện ở Việt Nam (phần lớn), Trung Hoa, Nhật bản và Hàn quốc; 3/ Phật giáo Tây Tạng (Vajrayana: Kim cương thừa) gồm sự thờ cúng thần linh và người chết của địa phương trộn lẫn với Phật giáo.

 

Thực hành trong Phật giáo

 

Tập thiền để biến đổi trí tuệ là pháp môn tu hành chủ yếu của Phật giáo. Phương pháp thiền của Phật giáo nhấn mạnh trên nỗ lực cá nhân. Từ “thiền” không lột tả trọn vẹn nghĩa của từ gốc “bhavana”có nghĩa là luyện tập trí tuệ, phát triển  trí tuệ. Được dùng như một từ đặc loại, thiền  chỉ một thái độ đặc biệt đối với cuộc sống. Phương pháp thiền hệ tại loại bỏ mọi ưu tư nhờ cách hít thở, đạt tới sự kiểm soát được các giác quan và tập trung tư tưởng, v.v. Mục tiêu của thiền có hai mặt: một mặt, nhằm xoá bỏ khỏi tâm trí mọi ô trọc và mọi xáo trộn như ước muốn hưởng thụ, ghen ghét, thù hận, biếng nhác, lo âu, náo động và hồ nghi; mặt khác, nhằm tập luyện những phẩm chất tích cực như tập trung, ý thức, thông tuệ, ý chí, năng lực, thấu suốt, tin tưởng, vui mừng và  tĩnh lặng. Cuối cùng, thiền đưa tới một trí huệ cao sâu hơn, hiểu rõ được bản chất của mọi sự và thực hiện được Chân Lý Tối Hậu, chứng quả Niết Bàn. 

 

Khi theo lời dạy của Đức Phật về thực hành thiền (satipatthana sutra), các phật tử đã phát triển nhiều phương pháp thiền theo chiều dài lịch sử. Thiền trực giác (vipassana) và thiền zen (zazen) là những phương pháp được biết đến nhiều nhất. Thiền trực giác bao gồm sự xem xét những khuynh hướng nội tại trong tất cả mọi sự hiện hữu nơi bản thân để biết được chân lý về sự mau qua, về đau khổ và về không có cái tôi như Đức Phật đã dạy. Ai thực hành thiền định là nhằm đạt đến tình trạng vượt qua đau khổ, có nghĩa là hưởng “an bình nội tâm của Niết Bàn”.

 

Thực hành thiền zen (zazen) tự nền tảng là phủ định, chối bỏ hành động, coi hành động là vô ích và uổng công, nghĩa là ai thực hành thiền zen giống như những chú chim ca hót và những con cá tung tăng bơi lội. Thực hành thiền zen không phải là chuẩn bị cho một điều gì khác. Ai thực hành nó vẫn tiếp tục làm điều mà họ đã luôn luôn làm . Như vậy, mục đích của thiền zen là “giác ngộ” và phương pháp để thực hiện “giác ngộ” đó là không hành động.

 

 

 

TIN MỪNG MACCÔ

BÀI 2

SỨ MẠNG CỦA GIOAN TẨY GIẢ      

 1,2-8

 

 

 

I.GIẢI THÍCH

 

Khuôn mặt nổi bật nhất trước khi Đức Giêsu đến là Gioan Tẩy Giả. Mc giới thiệu ông một cách đột ngột bằng một đoạn trích Thánh kinh mà ông nói là của Isaia, nhưng thực ra là kết hợp tới ba đoạn Cựu Ước mang cùng một ý tưởng là : con đường phải chuẩn bị để gặp Đức Giêsu.

-c 2 : . “ Như đã ghi trong sách ngôn sứ Isaia ” : thực ra chỉ có phần cuối của đoạn trích này là của Isaia.

."Đây là vị sứ thần Ta sai đi trước mặt con để vì con sửa lối dọn đường” : Đây là trích Xh 23,20. Kẻ nói lời này là Thiên Chúa. Ngài nói với Môisê để khuyến khích ông mạnh dạn đưa dân Thiên Chúa đi qua sa mạc tiến về Đất Hứa Canaan. Đến thế kỷ V trước công nguyên, câu trên được Malaki dùng lại (Ml 3,1) với một ý nghĩa mới : nói về việc chính Thiên Chúa đến với dân Ngài, vậy phải có một sứ giả dọn đường. Sứ giả đó là Êlia (Ml 3,23). Khi Mc dùng lại câu này một lần nữa, ông muốn nói rằng Gioan Tẩy Giả chính là Êlia mà dân Do thái mong đợi sẽ trở lại. Còn Đấng mà Gioan Tẩy Giả dọn đường chính là Đức Giêsu, Ngài đến thăm dân không phải trong quyền uy của sự phán xét, mà là trong sự yếu đuối của tình yêu dâng hiến.

-c 3 : ." Nơi hoang địa có tiếng kêu vang : hãy lo dọn đường Chúa sẵn sàng, lối Ngài đi sửa cho ngay thẳng ” : Đây mới là câu trích Isaia 40,3. Ngôn sứ Isaia nói lời này với dân Do thái đang bị lưu đày bên Babylon để báo cho họ biết rằng Thiên Chúa sắp giải thoát họ. Mc trích lại câu này với ngụ ý rằng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa sắp đến thăm dân Ngài, vì thế họ hãy lo chuẩn bị đón tiếp Ngài.

Sau khi trích lại những lời Cựu Ước, Mc cho thấy những lời đó đã ứng nghiệm : Sứ giả xuất hiện.

-c 4 : Vị sứ giả của Đấng Messia này có tên là Gioan. Ông còn được gọi là Tẩy Giả vì ông làm phép rửa bằng cách dìm người ta xuống nước sông. Ông làm việc này ở hoang địa.

-c 5 : Người ta đến xin thanh tẩy với Gioan thật đông và từ khắp nơi. Tại sao ? Vì họ đa số là “dân đen” không thể theo những quy định tỉ mỉ về sự trong sạch mà giới trí thức đặt ra. Họ thích nghi thức đơn giản của Gioan để được Thiên Chúa tha tội. Có lẽ nghi thức này gồm việc dìm xuống nước và việc công khai xưng thú tội lỗi ra.

-c 6 : Mô tả cách sống đặc biệt của Gioan : Ông mặc giống như Êlia (2V 1,8). Ông chỉ ăn những sản phẩm của thiên nhiên. Cách ăn mặc này không giống với Đức Giêsu : Đức Giêsu không ăn mặc khác người. Ngài cũng mặc như người ta, cũng ăn thịt và uống rượu. Đức Giêsu cũng không sống nơi hoang địa xa cách người ta. Ngài sống giữa mọi người. Cuối cùng Đức Giêsu trình bày sứ điệp của Gioan : đây chính là người đi trước để dọn đường cho Đức Giêsu.

-c 7 : Đức Giêsu “mạnh thế” hơn Gioan. Gioan phải tự xóa mình đi trước mặt Ngài như một đầy tớ tự xóa mình đi trước mặt chủ, thậm chí tự coi không xứng đáng cởi giày cho chủ.

-c 8 : Nhất là có sự khác biệt giữa phép thanh tẩy của Gioan với phép thanh tẩy của Đức Giêsu : Gioan chỉ thanh tẩy bằng nước, còn Đức Giêsu bằng Thánh Linh. Chính điểm này khiến Đấng Messia trổi vượt sứ giả của mình, bởi vì Messia là kẻ có Thánh Linh (x 1,10). Với ơn ban Thánh Linh mà Ngài sẽ ban sau khi phục sinh, Đức Giêsu sẽ dứt khoát mang lại sự tha tội (Cv 2,38).

 

 II.KẾT LUẬN :

 

Ngay từ trang đầu, Mc đã đặt Gioan Tẩy Giả, sứ mạng của ông và phép thanh tẩy của ông vào đúng vị trí của chúng. Chúng chỉ là một sự loan báo và một sự chuẩn bị cho Đức Messia đến. Có lẽ Mc muốn trả lời cho những thắc mắc của độc giả ông : thời đó có nhiều người cho rằng chính Gioan mới là Messia (xem Ga 1,19-34).

 

 

BÀI 3 :

ĐỨC YÊSU CHỊU THANH TẨY

 1,9 -11

 

 

 

 I. GIẢI THÍCH :

 

- c 9 : - Phía trước Mc có nói tới Đức Giêsu, nhưng tới bây giờ Ngài mới xuất hiện.

        -" Bấy giờ từ Nazaret xứ Galilê đến ” : Mc giới thiệu Đức Giêsu rất ngắn gọn như thế.(x.Lc 4,16 tuy nói cũng ngắn gọn nhưng còn cho biết thêm Nazaret là nơi Ngài được nuôi dưỡng). Sở dĩ Mc nói ngắn gọn về thời gian trước của Đức Giêsu là để nhấn mạnh tới biến cố quan trọng nhất lúc mới bắt đầu đời công khai : Đức Giêsu chịu thanh tẩy.

- “ Và ông Gioan đã thanh tẩy cho Ngài ở sông Giodan ” : Mc không nói tại sao Đức Giêsu chịu thanh tẩy của Gioan. Có lẽ vì Ngài đã theo làm môn đệ ông này một thời gian (x. Ga 3,26).

-c 10   - Các Kitô hữu đầu tiên cũng biết đến phong trào thanh tẩy rất thịnh hành thời đó. Họ thắc mắc : phép thanh tẩy của Đức Giêsu có gì đặc biệt ? Mc viết câu 10 này cũng có phần nhằm giải đáp thắc mắc đó. Mc không nói tới việc Đức Giêsu được dìm xuống nước, nhưng lại nói tới những gì xảy ra sau đó. Mà nói cách này cũng không phải là một tường thuật tả chân, nhưng là một mặc khải qua những hình ảnh mà tác giả chọn dùng :

- “ lên khỏi nước ” :  Is 63,11 viết về lời kêu cầu của dân để xin Chúa tái diễn hành động cứu thoát của cuộc xuất hành như sau : “Đâu rồi Đấng đã cho Ngài  (nghĩa là Môisê) lên khỏi lòng biển ? ... Đâu rồi Đấng đã đặt nơi lòng Ngài Thánh Linh của Ngài ?” Khi dùng hình ảnh “lên khỏi nước”, Mc ngầm nói Đức Giêsu chính là Môisê mới, và phép thanh tẩy của Ngài chịu là một cuộc qua biển mới. Môisê mới đã nhận lãnh Thánh Linh để hướng dẫn đoàn chiên mình tới Đất hứa.

- “ các tầng trời mở tung ” : Truyền thống Do thái nghĩ rằng sau khi các ngôn sứ cuối cùng (Khacgai, Giacaria, Malaki : thế kỷ VI và V trước CN) biến mất thì trời đã bị đóng lại, liên lạc giữa Thiên Chúa và loài người bị cằt đứt, “Thánh Linh bị dập tắt”. Bởi thế dân chúng kêu xin : “Chớ chi Ngài xé trời ngự xuống” (Is 63,19b). Lời kêu xin này hôm nay được đáp ứng : Trời đã mở ra lại. Đó là dấu liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người được tái lập khi Đấng mà muôn dân trông đợi từ trời ngự xuống.

- " và Thánh Linh như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài ”: Chính vì Đức Giêsu là Đấng từ trời ngự xuống nên Ngài được Thánh Linh ngự trên Ngài. Biến cố này đánh dấu một kỷ nguyên mới : Đức Giêsu là Đấng Messia đến mang ơn tha thứ cho loài người (Cv 2,37-38).

            Về hình ảnh chim bồ câu, có nhiều giải thích : a/ ám chỉ bồ câu mà Noe thả ra sau cơn hồng thủy (St 8,8-11) ; b/ ám chỉ đến Thánh Linh bay là là trên mặt uông mang lúc tạo dựng vũ trụ (St 1,2) ; c/ người Do thái thời Đức Giêsu hay so sánh các ngôn sứ với chim bồ câu. Có lẽ giải thích c/ là đúng nhất. Nên ở đây Mc muốn coi Đức Giêsu là “Vị Ngôn Sứ” của kỷ nguyên mới.

- c 11 - “ Tiếng bởi trời ” : Đây là cách kính trọng nói quanh để tránh nói thẳng tới Tc. Tiếng từ trời nghĩa là tiếng của Thiên Chúa. - Câu nói từ trời là trích bởi 3 nơi trong CƯ :

            ." Con là con của Ta ” : Trích Tv 2,7 nói về ngày lên ngôi của vua Messia.

            ." Con ưu ái ” : Trích St 22,2 nói về Isaac là con yêu dấu của Abraham.

            . “ Làm Ta vui thỏa hoàn toàn ” : Trích Is 42,1-2 nói về Người Tôi Tớ của Yavê.

Tóm lại Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là con của Thiên Chúa, là Đấng Messia, là Người Tôi Tớ.

 II. KẾT LUẬN:

Qua cách viết như vừa phân tích ở trên, Mc không nghĩ rằng phép thanh tẩy mà Đức Giêsu lãnh nhận là để tẩy xóa tội lỗi, bởi vì Ngài không có tội. Đúng hơn đây là lúc Đức Giêsu đăng quang làm Messia, là lúc Thiên Chúa ban lệnh cho Ngài bắt đầu thi hành sứ mạng trong tư cách là Messia, là Con của Thiên Chúa và là Người Tôi Tớ.

 

 

BÀI 4 :

ĐỨC YÊSU CHỊU CÁM DỖ

 1,12-15

 

 

 I. GIẢI THÍCH

 

 c 12 - “ Liền đó ” : ngay sau khi Đức Giêsu chịu thanh tẩy, ngay sau khi Ngài đăng quang làm Messia.

- “Thánh Linh thúc đẩy Ngài” : Cũng chính Thánh Linh đã ngự trên Ngài trong biến cố thanh tẩy nay thúc dẩy Ngài.

-" lên hoang địa ” : hoang địa nào ? Có lẽ là hoang địa Giuđê nơi Yoan rao giảng (1,4), nhưng tại sao Thánh Linh thúc đẩy Đức Giêsu lên hoang địa ? Thưa vì Ngài chính là Môisê mới : Ngài đã thực hiện việc qua biển mới trong biến cố thanh tẩy, nay Ngài lại thực hiện thời gian Israel xưa sống ở hoang địa.

c 13   - “ Suốt 40 ngày ” : Con số 40 này cũng là con số ngày xưa Israel sống ở hoang địa.

- “ Chịu Satan cám dỗ ” : Satan là tên mà Thánh Kinh dùng để chỉ đến kẻ thù bí mật chống lại việc thành lập vương triều Thiên Chúa. Các TM nhất lãm kia đều mô tả các cơn cám dỗ, chỉ riêng Mc là nói chung chung thôi. Có lẽ Mc muốn chúng ta nghĩ đến những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu gặp trong suốt thời gian sứ mạng : nhiều lần Ngài bị cám dỗ dùng uy quyền để lập vương triều Thiên Chúa (x.8,11-13.31-33 ; 12,13 ; 14,38 ; 15,29-32), nhưng Ngài đã luôn luôn từ chối, chỉ muốn khiêm tốn vâng theo ý Cha.

- “ Ngài sống cùng dã thú ” : Is 11,6 đã vẽ lên một cảnh thanh bình con người sống cùng dã thú. Cảnh  đó nay đã thực hiện. Tức là kỷ nguyên Messia bắt đầu.

- “ và có các thiên sứ phục vụ ” : nghĩa là được Thiên Chúa trợ giúp.

 

 II.KẾT LUẬN

 Đức Giêsu chính là Đấng Messia. Ngài là một con người mới, sống hài hòa với trời (Thiên Chúa) và đất (dã thú).

*** Phần tiền ngôn 1,1-13 giống như khúc nhạc mở đầu một bản giao hưởng, trong đó những nhạc đề chính được giới thiệu đầy đủ. Toàn thể bản giao hưởng sau đó chỉ là triển khai những nhạc đề đã được giới thiệu ở phần đầu.

 

 

 

Text Box:  THẮC MẮC BẠN TRẺ

+ Câu hỏi 1 : 

1. Tại sao trung tâm của đạo Công Giáo lại ở Vatican, nước Ý mà không ở quê hương của Chúa Giêsu nước Palestin ?

2. Gần đây chúng con nghe nói nhiều về cuộc họp về Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới. Vậy xin cha cho chung con biết THĐGM là tổ chức gì hoạt động ra sao ? Có ích lợi gì cho Hội Thánh ? THĐGM có từ khi nào ?

Nguyễn Văn Toàn

 

+ Trả lời :

Xin trả lời bạn Nguyễn Văn Toàn :

 

1- Như chúng ta đã biết : Chúa Giêsu là người Israel và Ngài đã rao giảng Tin mừng tại đất nước này. Thế nhưng Ngài đã thiết lập Giáo Hội, đặt Phêrô làm đầu và trao phó cho ông trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên của Ngài :

- Mt 16,17-19 : Ñöùc Gieâ-su noùi vôùi oâng: "Naøy anh Si-moân con oâng Gioâ-na, anh thaät laø ngöôøi coù phuùc, vì khoâng phaûi phaøm nhaân maëc khaûi cho anh ñieàu aáy, nhöng laø Cha cuûa Thaày, Ñaáng ngöï treân trôøi. Coøn Thaày, Thaày baûo cho anh bieát: anh laø Pheâ-roâ, nghóa laø Taûng Ñaù, treân taûng ñaù naøy, Thaày seõ xaây Hoäi Thaùnh cuûa Thaày, vaø quyeàn löïc töû thaàn seõ khoâng thaéng noåi. Thaày seõ trao cho anh chìa khoaù Nöôùc Trôøi: döôùi ñaát, anh caàm buoäc ñieàu gì, treân trôøi cuõng seõ caàm buoäc nhö vaäy; döôùi ñaát, anh thaùo côûi ñieàu gì, treân trôøi cuõng seõ thaùo côûi nhö vaäy."

Lc 22,31-32 : Roài Chuùa noùi: "Si-moân, Si-moân ôi, kìa Xa-tan ñaõ xin ñöôïc saøng anh em nhö ngöôøi ta saøng gaïo. Nhöng Thaày ñaõ caàu nguyeän cho anh ñeå anh khoûi maát loøng tin. Phaàn anh, moät khi ñaõ trôû laïi, haõy laøm cho anh em cuûa anh neân vöõng maïnh."

Ga 21,15-17 : Khi caùc moân ñeä aên xong, Ñöùc Gieâ-su hoûi oâng Si-moân Pheâ-roâ: "Naøy anh Si-moân, con oâng Gio-an, anh coù meán Thaày hôn caùc anh em naøy khoâng?" OÂng ñaùp: "Thöa Thaày coù, Thaày bieát con yeâu meán Thaày." Ñöùc Gieâ-su noùi vôùi oâng: "Haõy chaêm soùc chieân con cuûa Thaày." Ngöôøi laïi hoûi: "Naøy anh Si-moân, con oâng Gio-an, anh coù meán Thaày khoâng?" OÂng ñaùp: "Thöa Thaày coù, Thaày bieát con yeâu meán Thaày." Ngöôøi noùi: "Haõy chaên daét chieân cuûa Thaày." Ngöôøi hoûi laàn thöù ba: "Naøy anh Si-moân, con oâng Gio-an, anh coù yeâu meán Thaày khoâng?" OÂng Pheâ-roâ buoàn vì Ngöôøi hoûi tôùi ba laàn: "Anh coù yeâu meán Thaày khoâng?" OÂng ñaùp: "Thöa Thaày, Thaày bieát roõ moïi söï; Thaày bieát con yeâu meán Thaày." Ñöùc Gieâ-su baûo: "Haõy chaêm soùc chieân cuûa Thaày.

Vì thế, theo truyền thống Giáo Hội gắn liền với Phêrô và ngược lại, Phêrô gắn liền với Giáo Hội. Và như chúng ta cũng đã biết Phêrô đã được diễm phúc tử đạo tại Rôma vào năm 64 dưới thời bạo vương Nêron. Do đó, Rôma hay Vatican được chọn làm trung tâm của Công giáo.

 

2- Để trả lời cho câu hỏi về Thương Hội Đồng Giám Muc, tôi xin ghi lai nơi đây bài viết của  Đức Tổng Giám Mục Nicôla Eterovic, do Đặng Thế Dũng dịch :

 

Phân tích từng chữ thì chữ "synod" là sự kết hợp của hai chữ Hy Lạp là "syn" nghĩa là "tụ lại" và "hodos" nghĩa là "con đường". Synod nghĩa là "cùng đi với nhau".


Ngay cả trước Công Ðồng Vatican II, ý tưởng có một cơ chế qua đó các Ðức Giám Mục có thể giúp Ðức Thánh Cha, trong một cách thức nào đó, trong việc cai quản Giáo Hội Hoàn Vũ, càng ngày càng trở nên mạnh mẽ.


Ðức Cha Silvio Cardinal Oddi, lúc bấy giờ là sứ thần Tòa Thánh tại Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất, hôm 5/11/1959, đã đưa ra đề nghị thành lập một cơ chế tư vấn trung ương của Giáo Hội, mà ngài gọi là "a consultative body". Ngài nói: "Từ nhiều miền của thế giới, có những lời than phiền rằng Giáo Hội không có một cơ chế tư vấn thường xuyên khác hơn là các vị trong giáo triều Rôma. Do đó, một dạng 'Công Ðồng loại nhỏ' cần phải được thiết lập và bao gồm những vị từ Giáo Hội trên toàn thế giới, hội họp theo định kỳ, có thể là một năm một lần, để bàn thảo về các quan ngại chung và đưa ra những hướng đi mới trong các hoạt động của Giáo Hội."

Ngày 22/12/1959, Ðức Hồng Y Bernardus Alfrink, Tổng Giám Mục Utrecht cũng lên tiếng ủng hộ ý kiến của đức cha Silvio Cardinal Oddi.

Sau Công Ðồng Vatican II, Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã được thiết lập bởi Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI, qua tự sắc có tựa đề là "Apostolica Sollicitudo" (Sự chăm sóc tông đồ), được ban hành ngày 15 tháng 9 năm 1965. Chính Ðức Phaolô VI, trong buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật ngày 22 tháng 9 năm 1974, đã định nghĩa Thượng Hội Ðồng Giám Mục như sau:


"Ðây là một cơ chế giáo hội mà chúng tôi thiết lập lên sau Công Ðồng Vatican II, ngõ hầu củng cố sự hiệp nhất và cộng tác giữa các Giám Mục trên khắp thế giới với Tòa Thánh. Cơ Chế Thượng Hội Ðồng Giám Mục thực hiện mục tiêu trên, nhờ qua bởi cuộc nghiên cứu chung liên quan đến những hoàn cảnh của Giáo Hội và qua bởi giải đáp chung cho những vấn đề có liên quan đến Sứ Mạng của Giáo Hội. Thượng Hội Ðồng Giám Mục không phải là một Công Ðồng, cũng không phải là một Quốc Hội, nhưng như là một kiểu mẫu đặc biệt của Công Nghị".

 

+ Câu hỏi  2:

 

Kính thưa cha vừa qua con theo dõi tin tức xuanh quanh tin đồn về tượng Đức Mẹ khóc ở nhà thờ Đức Bà. Con cũng không biết gì cả vì không tận mắt thấy. Cụ thể la bức thư của Đức Hồng Y con rất biết ơn  bởi giúp cho người tín hữu chúng con hiểu ra  việc sống đức tin chân chính ? Vậy con xin hỏi cha 2 điều quan trong sau ? Xin cha nói sơ lược cho con biết  ?

1. Tượng Đức Mẹ trước cửa nhà thờ chính toà Sài Gòn có từ bao giờ ?

2. Trong lịch sử Giáo Hội hoàn cầu cũng như tại Việt Nam có bao giờ xảy ra hiện tượng Đức Mẹ khóc chưa ? Giáo Hội đã điều tra như thế nào mới công nhận ? Qua những lần Đức Mẹ hiện ra trên thế giới thì thái độ của người tín hữu như thế nào mới đứng đắn ?

 

Bạn Nguyễn Mỹ Xuân Linh

 

+ Trả lời :

Để trả lời cho cau hỏi thứ nhất của bạn Nguyễn Mỹ Xuân Linh, tôi xin đưa ra tài liệu của  VietCatholic News (02/11/2005) :

Nguồn gốc của bức tượng Đức Mẹ Hoà Bình, hay còn gọi là Nữ Vương Hoàn Cầu, đứng trước công trường Vương Cung Thánh đường Saigon

 

Nhà thờ Đức Bà-Sai Gon được xây dựng từ năm 1877 tới năm 1880 thì hoàn thành. Khu công viên nhỏ với những bồn hoa ở trước nhà thờ thì được thiết lập ngay từ khi nhà thờ này được khánh thành.

 

Tới năm 1902 thì chính quyền Nam Kỳ -Thuộc địa mới cho xây dựng ngay chính giữa công viên này một tuợng đài để tưởng niệm Đức cha Bá-Đa-Lộc, tức Pineau de Béhaine(trong sắc phong của vua Gia Long thì tôn làm Thái Tử, Thái Phó, Bi-Nhu Quận công) hay còn gọi là Giám mục Adran vì Đức cha làm Giám mục với hiệu toà Adran. Tượng đài này bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ hình trụ tròn và bên trên là bức tượng đồng của Đức cha được đúc tại Pháp.

 

Bức tượng này tạc hình đức cha Adran với phẩm phục Giám Mục và tay phải Ngài dẫn tay trái Hoàng tử Cảnh (con trưởng của vua Gia Long-Nguyễn Ánh). Tượng đài này được giới bình dân thời đó gọi là tượng “Hai hình” để phân biệt với tượng “Một hình” là bức tượng của Đô Đốc Hải quân Pháp Genouilly ở phía công trừơng Mê Linh, cuối đường Hai Bà Trưng, gần bờ sông Sai Gon.

 

Tượng đài Đức cha Ba-Đa-Lộc này tồn tại cho tới năm 1945 thì bức tượng đồng của Đức cha Bá-Đa-Lộc bị hạ xuống trong cao trào chống Pháp, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào ở trên.

 

Mãi cho tới năm 1959, dịp Đại hội Thánh Mẫu ở Việt Nam, linh mục chánh sở nhà thờ Sai Gon-có lẽ là linh mục Phạm Văn Thiên (sau làm Giám mục Phú Cường, nay đã qua đời), khi qua Roma có đặt nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện một bức tượng Đức Mẹ Hoà Bình (người ta vẫn có thể thấy tên của nhà điêu khắc còn rất rõ nét ở trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng). Tượng được mang về theo đường thủy và ngày 16/02/ 1959 bức tượng được dựng lên trên cái bệ đài vẫn còn để trống kể từ năm 1945.

 

Ngày 17/02/1959 Hồng Y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ toạ lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu, đã làm phép bức tượng này vào buổi chiều ngày hôm đó.

 

Chỉ từ sau khi có bức tượng này đứng trước công trường nhà thờ, thì nhà thờ Sài Gòn mới mang thêm một tên mới là nhà thờ Đức Bà, còn trước đó chỉ có các tên gọi, như nhà thờ lớn, nhà thờ Sài Gàn và nhà thờ nhà nước - vì do nhà nước Pháp thuộc địa quy hoạch và cấp kinh phí xây dựng.

 

Bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn đầy dẫy những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn, mà không biết từ lúc nào đầu con rắn đã bị bể mất cái hàm trên nên hiện chỉ còn thấy hàm dưới và thấy cặp mắt của con rắn, còn hàm trên cho tới mũi của con rắn thì không còn, cũng không thấy ai tu sửa lại. Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng La ngữ: REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII. II. MCMLIX (NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH - CẦU CHO CHÚNG TÔI - 17/02/1959).

 

Riêng về câu hỏi thứ hai, thiết tuởng bức thư của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng đã gói ghém tất cả những gì bạn muốn biết :

 

2. Nền tảng của đức tin Kitô giáo là chính Chúa Kitô, Đấng là ?Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống? (Ga 14,6). Trong cuộc sống trần thế của Người, cùng với lời rao giảng, Chúa Kitô đã làm nhiều phép lạ để mạc khải cho ta biết Thiên Chúa ?hằng ở với chúng ta để giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, và phục sinh chúng ta để được sống đời đời? (Hiến chế Mạc khải, số 4). Vì Chúa Giêsu là Đấng đã hoàn tất mạc khải và công trình cứu rỗi của Thiên Chúa, nên ?chúng ta không phải đợi chờ một mạc khải công cộng nào khác nữa trước khi Người ngự đến trong vinh quang? (Ibid., số 4). Do đó, nếu truyền thống Kitô giáo nhìn nhận rằng Thiên Chúa - Đấng đã tạo dựng mọi sự từ hư vô, và là Chúa của lịch sử - vẫn có thể cho phép những phép lạ xảy ra, thì trong thực tế, Giáo Hội đã và luôn luôn hết sức cẩn trọng trong việc xác định đâu là phép lạ thực sự.

 

3. Liên quan đến ?tượng Đức Mẹ khóc? tại quảng trường Công xã Paris, tôi đã lắng nghe nhiều phản ảnh và đã nhận được nhiều ý kiến. Tuy nhiên, những dữ liệu thu thập được cho đến nay chưa phải là bằng chứng khách quan để có thể khẳng định rằng tượng Đức Mẹ đã khóc. Vì thế, tôi đang hình thành một ban có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo về hiện tượng trên và những hệ lụy của hiện tượng này. Trong khi chờ đợi có thêm kết quả, điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần giữ cái tâm của mình cho tĩnh. Với tâm hồn an tĩnh, chúng ta sẽ tránh được những lời nói và hành động có thể gây ngộ nhận và hiểu lầm, không những trong giới Công giáo, mà còn cho đông đảo đồng bào không Công giáo trong và ngoài thành phố. Với tâm hồn an tĩnh, chúng ta mới có thể nghe được tiếng Chúa nói trong đáy lòng mình. Với tâm hồn an tĩnh, lòng tôn sùng và yêu mến Mẹ Maria mới dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu để lắng nghe và làm theo Lời Chúa, chứ không chỉ dừng lại ở những tình cảm chóng qua. (x. Hiến chế Giáo Hội, số 67).

 

Lm. Mai Hoàng

Text Box:  CÂU CHUYỆN SUY TƯ

Buồn phiền

Trong đời ai chẳng có buồn phiền, buồn phiền đến từ nhiều phía, do chính mình, do người khác, do hoàn cảnh…

Buồn phiền là một cảm xúc chứ không là một tính cách, cảm xúc chi phối đời sống tinh thần lâu ngày làm cho con người sa sút.

Chính vì là một cảm xúc cho nên con người có thể điều chỉnh nó bằng nhiều cách: Nghiền ngẫm dẫn đến tiêu vong, chấp nhận cam chịu làm cho thêm đáng chán, lấp đi nỗi buồn bằng những đam mê rượu, ma tuý… dẫn đến thân tàn ma dại, vui vẻ tích cực đón nhận dẫn đến lạc quan.

Người lạc quan là người thành công hơn cả, họ không tiêm nhiễm thêm cho mình nỗi buồn, không bao giờ tự nhủ rằng mình buồn chán quá, không tự lấp đi bằng những đam mê dục vọng. Trái lại, lúc buồn chán là lúc suy nghĩ tích cực hơn để nỗi buồn nhỏ lại, lúc đòi hỏi cố gắng nhiều hơn để hoạt động, lúc tập luyện vượt qua bằng nghị lực.

Người lạc quan luôn nhớ rằng không phải một mình cô độc buồn chán, có nhiều người rơi vào buồn chán hơn, chính vì vậy mà chẳng nuôi nỗi buồn

Cái buồn mau tan biến nơi những người tích cực, đôi khi, chẳng còn giờ để kịp nghĩ đến nỗi buồn.

Bạn thân mến!

Ai tránh được nỗi buồn, nhưng không vì thế mà đánh mất cuộc đời. Vui bạn sống thấy hữu ích, buồn bạn sống thấy như đồ bỏ. Vui buồn bạn đều phải sống. Tuỳ theo cách bạn chọn để cuộc sống là những ngày cảm nghiệm đủ hết màu sắc và thấy ra đời có ý nghĩa. Bùi Giáng có lần viết: “Tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi; bởi vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu”. Đấy là một kinh nghiệm đời người dễ thương biết mấy.

joshkimt

Text Box:  TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

 

 

 

NỖI ĐAU KHÔNG CHỈ RIÊNG AI !


“Không có tình thương nào cao cả 
hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng 
vì bạn hữu của mình” (Gio 15,13).

 

¨ TỪ NHỮNG GỢI Ý… 

…”Đàng khác, cũng không thiếu những dấu hiệu cho thấy một sự thoái hóa đáng lo ngại về một số giá trị căn bản : một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.” (ĐTC Gioan-Phaolô II, FC 6)

”Sống trong một thế giới như thế và nhất là dưới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, không phải lúc nào tín hữu cũng đã hoặc sẽ tránh được việc bị lây nhiễm tình trạng các giá trị căn bản bị lu mờ, không phải lúc nào họ cũng biết đứng ra đóng vai trò ý thức phê phán đối với thứ văn hóa về gia đình vừa nói trên, và đóng vai những người tích cực xây dựng một nền nhân bản đích thực về gia đình…Giữa những dấu chỉ đáng quan tâm nhất của hiện tượng ấy, các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã đặc biệt nhấn mạnh về sự lan tràn nạn ly dị và ngay cả các tín hữu cũng đòi được tái hôn sau khi ly thân; về quan niệm chỉ chấp nhận cử hành hôn phối theo phần đời, ngược hẳn ơn gọi của những người đã được rửa tội là “lấy nhau trong Chúa”; về việc cử hành bí tích Hôn Phối mà không có đức tin sống động, nhưng chỉ vì những lý do khác; về sự phủ nhận những nguyên tắc luân lý đang soi sáng và nâng đỡ việc thực hành tính dục trong hôn nhân cách nhân bản và Kitô giáo…”(ĐTC Gioan-Phaolô II, FC 7) 

¨ MỘT THOÁNG SUY TƯ 

Xin bắt đầu từ một câu chuyện tâm sự…

”Tôi đã từng yêu và sống hạnh phúc hơn mười năm. Nào ngờ, hậu quả từ một lỗi lầm nhỏ của thời nông nổi nay đã cướp đi hạnh phúc gia đình tôi. Bài học của chính bản thân tôi và cũng là nỗi đau mà tôi muốn được chia sẻ cho vơi.

“Năm mười bảy tuổi, tôi gặp và yêu anh. Hồi đó, nông nổi, dại khờ, tôi trao thân cho anh không suy tính gì khác. Kết quả là tôi có mang. Ba mẹ tôi – là những bác sĩ có tiếng trong thành phố – không chấp nhận việc tôi chưa học xong phổ thông trung học mà đã phải nghĩ đến chuyện lập gia đình. Mẹ tôi đưa đi phá thai. Sáu năm sau, tôi tốt nghiệp đại học. Trong sáu năm đó, tôi vẫn lén lút gặp và yêu anh. Sau khi tốt nghiệp, anh chính thức đặt vấn đề với gia đình xin cưới tôi. Thấy anh dám nhận trách nhiệm ngày trước, vẫn yêu tôi chân thành nên ba mẹ tôi đồng ý. Anh xin cho tôi về làm việc chung với anh trong một cơ quan nghiên cứu khoa học.

“Thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng tôi rất hạnh phúc. Ba mẹ cho một ngôi nhà riêng, ai cũng nói vợ chồng tôi là đôi uyên ương chim cu. Mấy năm sau, áp lực hai bên gia đình chúng tôi phải nghĩ đến việc có con. Nhưng điều rất buồn là tôi vẫn không thể nào được vinh dự làm mẹ cho dù đã áp dụng đủ mọi phương cách, đông, tây y kết hợp. Mẹ tôi cho là tôi đã bị vô sinh do hậu quả của việc phá thai năm mười bảy tuổi. Trách nhiệm này, anh xin chịu hoàn toàn, và an ủi với tôi rằng : mình sẽ sống đến già, sẽ yêu thương nhau đến chết. Thế nhưng, nỗi buồn cứ đeo bám lấy tôi, phủ đám mây đen lên cuộc sống gia đình của tôi cho dù anh đã làm mọi cách để cứu vãn. Thế rồi việc gì đến đã đến. Người phụ nữ thứ hai đã xuất hiện ở ngay trong cơ quan, bên cạnh chồng tôi hằng ngày, hằng giờ. Cô ta tấn công chồng tôi tới tấp, thậm chí còn trơ tráo tuyên bố với mọi người rằng sẽ loại tôi ra khỏi cuộc đời anh, đem đến cho anh một đứa con.

“Cuối cùng anh đã đổ. Cô ta mang bầu thật sự. Chồng tôi dù thú nhận là không hề yêu cô ta, nhưng do chịu không nổi thái độ vênh váo và cái bầu ngày một lớn của cô ta trong cơ quan, tôi quyết định ly dị để tránh cho chồng mình sự khó xử và nhận thiệt thòi về phần mình, chấm dứt mười hai năm chung sống với nhau.

“Sau khi ly dị, chồng tôi về sống với cô ta trong một căn hộ tập thể nhỏ. Thời gian đầu tôi không thể nào chịu nổi sự cô đơn khi phải sống trong căn nhà cũ, nhìn tất cả đồ vật đã từng chứng kiến những năm hạnh phúc. Chiếc gối cũng có hơi hướm anh, chiếc bàn cũng có bóng hình anh ở đó, ảo giác đôi khi như có tiếng xe của anh đang dừng trước nhà chờ tôi ra mở cửa. Buổi chiều, sau giờ làm việc tôi chẳng biết làm gì khi trở về nhà, tôi tìm quên trong những ly rượu để ngủ, nhưng chẳng hề ngủ được. Những cơn mất ngủ triền miên làm tâm thần tôi suy sụp.

“Điều đau khổ nhất là tôi vẫn phải làm việc chung cơ quan với hai người ấy. Tôi phải chứng kiến hạnh phúc của họ như những nhát dao vằm nát thân thể và tâm hồn. Sau khi lấy vợ, anh trông già hơn và vất vả hơn vì phải lo toan nhiều thứ. Anh luôn tế nhị khi gặp tôi, còn cô ta thì ngày càng trơ tráo với tâm trạng của kẻ chiến thắng. 

“Nỗi đau này của tôi đã kéo dài hai năm nay, tôi chẳng thể nào xin chuyển được công tác khác vì tuổi cũng đã lớn. Hằng ngày, phải gặp người mà mình không hề muốn gặp, đôi khi phải làm việc trao đổi với họ. Tôi ngày càng bế tắc và tuyệt vọng. Tuy tôi đã không còn phải dùng đến rượu để tìm giấc ngủ, nhưng tôi chẳng còn gì hết, mọi cánh cửa dẫn đến hạnh phúc đều đã đóng lại đối với tôi. Liệu có ai chia sẻ giùm tôi một nỗi đau vô cùng này ?” (Tác giả Xuân Nam, bài “Ngồi buồn nhìn hạnh phúc ra đi”, báo Thanh Niên, số 161, thứ Ba ngày 10-6-2003) 

Bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh này như bạn X.N trong câu chuyện kể trên, chắc chắn cũng sẽ vô cùng đau đớn và tuyệt vọng. Bởi cô đã mất tất cả (“Tôi chẳng còn gì hết…”). Mất hạnh phúc, mất gia đình, mất chồng, mất cha mẹ, mất niềm vui trong cuộc sống, mất hi vọng làm mẹ, mất tương lai, và nhất là mất chính mình (“Tôi càng ngày càng bế tắc và tuyệt vọng…”). 

Nhưng xét cho cùng, những mất mát ấy không phải ngẫu nhiên mà xảy đến, mà đã bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân rất hiển nhiên và dây chuyền …Thử đọc lại câu chuyện để nhận diện những nguyên nhân chính của nỗi đau đớn tuyệt vọng mà bạn X.N đang trải qua : 

* NHẬN DIỆN NGUYÊN NHÂN NỖI ĐAU ?

- Dấn thân vào chuyện yêu đương quá sớm và trong giây phút không làm chủ được mình, đã sa ngã ;

- Có thai trong lứa tuổi học trò và đã phải phá thai để có thể tiếp tục việc học và sự nghiệp tương lai ;

- Phá thai nên dẫn đến vô sinh (mà không biết) ;

- Vì vô sinh nên “bị mất chồng” và bị khinh rẻ bởi “nhân vật đến sau” ;

- Chọn giải pháp ly dị để trốn thoát thực tế đắng cay, vô vọng ;

- Ly dị nên phải sống trong cô đơn, buồn chán, tìm đến rượu để quên thực tại đớn đau ; tinh thần trở nên suy sụp ; cuộc đời chìm trong bất hạnh ; bản thân tuyệt vọng và cuộc sống hoàn toàn bế tắc…

Một chuỗi những nguyên do trên đã đem đến hậu quả về mọi phương diện mà tác hại thì không thể lường được. Đồng cảm với bạn X.N, chúng ta cũng cảm thấy đau… 

* NỖI ĐAU KHÔNG CHỈ RIÊNG AI…

Trong xã hội, những bi kịch như thế không chỉ gây nỗi đau cho riêng “nạn nhân”, mà còn cho gia đình, họ hàng, bạn bè, cơ quan làm việc, chòm xóm và xã hội nữa…Nỗi đau ấy giờ đây đã trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người, nhất là các bạn đang yêu, sắp kết hôn hay mới bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình. Giải pháp nào cho bạn X.N, thì còn tùy vào nhiều điều kiện và yếu tố khác nhau, nhưng bài học của quá khứ thì đã sáng rõ. 

Thực vậy, “Muốn tránh những sự đổ vỡ hôn nhân một cách dễ dàng, cần phải quan niệm hôn nhân một cách ‘khó khăn’, nghĩa là phải chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết đảm bảo cho nó. Sự giáo dục về ý nghĩa hôn nhân cùng với trách nhiệm của nam nữ đối với bản thân, đối với người cùng chung sống, đối với nhu cầu bảo vệ gia đình và xây dựng xã hội là cần thiết. Nhà trường nên dành những giờ giảng dậy về vấn đề này. Các đoàn thể cần phát triển những câu lạc bộ để mở các cuộc hội thảo, trao đổi nghiêm túc và thật sâu sát về vấn đề này. Luật pháp cũng phải góp phần tích cực vào việc bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Một dư luận công minh và có thẩm quyền, giúp ích rất nhiều cho các nam nữ biết chọn lựa nhau và biết nuôi dưỡng hạnh phúc của mình.”(Nhiều tác giả, “Hôn nhân không đau đớn”, NXB Thanh Niên, năm 2000, trang 128).

Và cuối cùng, thì ”Điều quan trọng là mỗi thanh niên nam nữ đều phải nhận thức sâu sắc rằng đời mình không phải là tập giấy nhiều trang có thể xé bỏ dễ dàng để lật qua một trang khác. Văn hòa Maurois bảo rằng hôn nhân là ngôi nhà lớn phải được tu bổ từng ngày, nhưng việc chọn đất, xây nhà, và kiến trúc nó, trước hết là một công trình đòi hỏi chiêm nghiệm kỹ lưỡng, thiết kế công phu và đầu tư đúng mức. Tình yêu trong hôn nhân, muốn được bền vững, phải dựa trên mối cảm thông sâu sắc với người bạn đời và cùng người ấy nỗ lực hướng về một mục đích nào tốt đẹp. Vì nếu cuộc sống chỉ có tính cách cá nhân, vị kỷ, hưởng thụ, thì dầu hai người thực sự yêu nhau cuối cùng cũng sẽ đi đến ngõ cụt, và ở cuối đường là sự vô vị, buồn chán…”(Nhiều tác giả, “Hôn nhân không đau đớn”, NXB Thanh Niên, năm 2000, trang 128-129).

¨ PHÚT DỪNG CHÂN (bạn có đồng ý không ?)

”Phải có hai người mới làm nên một cuộc hôn nhân thành công, nhưng chỉ cần một người đủ phá đổ” (Herbert Samuel). 

”Tất cả kho tàng trên trái đất này không thể nào sánh bằng hạnh phúc trong gia đình” (Caldéron).

¨ ĐỘNG NÃO (thảo luận vấn đề của chúng ta) 

Anh chị cho biết nếu anh hay chị ở vào hoàn cảnh của bạn X.N trong câu chuyện tâm sự trên thì anh chị sẽ giải quyết nỗi đau của mình như thế nào ?

LỜI NGUYỆN CỦA GIA ĐÌNH

Lạy Thánh Gia, xưa Thánh Cả Giuse đã dẫn đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập, Thánh Gia đã chia sẻ những tân toan trong đời sống gian nan. 
“Xin cho gia đình chúng con :
-Biết cảm thông và sống theo Lời Chúa dạy trong Kinh thánh ;
-Biết lắng nghe và kính trọng nhau, lúc vui cũng như khi buồn ;
-Biết nhẫn nhục và hòa giải, khi tính tình và cách cư xử khác nhau ;
-Biết hiếu nghĩa và chung thủy, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội ;
-Biết lấy gương lành mà dưỡng dục con cái.
“Giêsu, Maria, Giuse…
“Đời chúng con sóng gió ba đào, xin Thần Linh Chúa ban ơn can đảm, kiên trì ;
“Gia đình chúng con trẻ già xung khắc, xin ban ơn quảng đại, thứ tha, để chúng con an vui chấp nhận lẫn nhau.
“Giáo hội cần nhiều tín hữu nhiệt thành sốt mến, xin cho chúng con biết phụng sự, tin yêu, để cùng nhau xây dựng Nước Chúa muôn đời. Amen.” 

(Kinh Hôn nhân Gia đình, trong cuốn “Cảm thông để vơi đau khổ”, quyển IV, LM P. Chu Quang Minh S.J, Los Angeles Cal. USA, 1998)

Aug. Trần Cao Khải – Gx TMT - Tp HCM

Text Box:  ĐỌC SÁCH

GIỌT NƯỚC MẮT HỒNG

 

 

Lm. Đỗ Văn Thiêm

 

Chạy xe Honda

Có lẽ ở Việt Nam, là nước xài nhiều xe gắn máy nhất. Cứ vào các thành phố thì rõ. Xe xếp nếp, xe chằng chịt, dày đặc mọi nẻo đường.

Thỉnh thoảng có dịp về Sài Gòn, tôi cũng thường lấy xe honda để đi công chuyện.

Không biết người khác thế nào, với tôi, sau mỗi lần đi công chuyện, về được tới nhà, thì mới có thể thở phào nhẹ nhõm, biết là mình đã thoát nạn.

Ngồi trên xe, cho xe chạy, tôi mới thấy, sự thật của cuộc đời, được trải rộng ra trên đường đi.

Xe tôi đang chạy, bỗng dưng một chiếc xe vượt qua mặt tôi. Xe mình mạnh hơn, vượt qua nó dễ dàng. Thế đấy, cuộc đời luôn là một sự đấu tranh. Nhưng điều cần thiết, là phải biết kìm hãm, đừng nóng tính và tự ái. Bởi vì sự tự ái, và nóng tính dễ đưa tôi vào sự phạt vạ của công an giao thông, và có khi, còn đưa đến tai nạn.

Điều mà tôi cần phải  luyện tập, là phải giữ được sự bình  tâm  trước mọi sự cố xảy đến.

Rồi xe tôi lại đi, có một tài xế nhỏ tuổi cỡi Honda, chạy vượt phía trong. Xe nó yếu, vượt mãi không qua được xe tôi, tôi cứ thể ép nó, bởi theo luật nó trái hoàn toàn. Nhưng thôi, bỏ qua đi. Nhịn nó đi, để mình khỏi bị rắc rối.

Xe vẫn đang chạy, chẳng nhìn trước nhìn sau, một người băng ầu qua đường. Tôi có thể đụng vào, mà không  phạm pháp luật. Nhưng thôi né đi, nhường nó một bước, để mình khỏi bị phiền phức.

Mới chạy được ít thước, đường một chiều xe đang ngon trớn, bỗng một chiếc xe ở đâu, đâm tới, chạy ngược chiều. Đã thế, còn chạy vô cùng ẩu. Tôi có thể căng căng mà đâm vào nó. Chắc chắn nó sẽ bị phạt, còn tôi thì hoàn toàn vô tội. Nhưng thôi, nhường cho nó, để có thể về nhà bình an.

Người ta vẫn bảo : Một sự nhịn là chín sự lành. Hay : Dĩ hoà vi quý. Câu nói ấy rất đúng. Sự nhường nhịn bao giờ cũng đem lại sự bình an.

Sống ở cuộc đời là phải đấu tranh, nhưng phải luôn giữ được sự bình tĩnh, và sự mềm mỏng khôn ngoan cần thiết

 

 

Text Box:  Để xem các bài viết khác mời quý vị vào trang Nhà (website)  http://www.tinvui.org hoặc www.tinvuivn.net
mọi Thư từ, cộng tác và  ý kiến, xin gửi về  
bantreconggiao@yahoo.com
Xin chân thành cám ơn